Nguyên nhân và cách trị táo bón đơn giản, hiệu quả tại nhà cho người già

Bạn có biết rằng hơn 1/3 những người trên 65 tuổi thường xuyên bị táo bón hay không? Để biết được nguyên nhân tại sao và cách trị táo bón cho người già, hãy cũng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây táo bón ở người lớn tuổi

Cách chữa táo bón cho người già
Ảnh: Cách chữa táo bón cho người già

Quá trình tiêu hóa bình thường trong cơ thể diễn ra như sau: Thức ăn sau khi được đưa vào cơ thể sẽ được nhào trộn với dịch vị ở dạ dày. Sau đó, chúng được hấp thu tại ruột non. Phần còn lại chủ yếu là các chất thải, không cần thiết cho cơ thể thì sẽ được tống xuống ruột già, được đóng thành khuôn nhờ việc ruột già hấp thu một phần nước và tống ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó khiến cho phân bị mất quá nhiều nước khiến chúng trở nên khô, cứng, lưu lại lâu trong ruột già, khó khăn khi tống ra ngoài khiến bạn phải rặn mạnh để có thể tống nó ra ngoài thì chính là bạn đang bị táo bón.

Ở người già, tình trạng này thường phổ biến là bởi một số nguyên nhân sau:

  • Ít vận động thể lực: Tuổi càng cao, việc vận động trở nên ít đi do sức khỏe ngày càng suy giảm. Việc không hoạt động thể lực thường xuyên thường gây rối loạn hoạt động của các cơ quan, làm giảm nhu động ruột khiến phân lưu lại lâu hơn trong ruột già. Thời gian lưu càng lâu thì lượng nước được hấp thu càng nhiều gây táo bón. Ngoài ra, người cao tuổi ít vận động cũng có thể do các bệnh mạn tính, đòi hỏi ít vận động hay không hoạt động thể lực như: đau lưng, đau khớp mạn tính, suy tim, chân yếu, tai biến mạch máu não.
  • Uống ít nước: Người cao tuổi thì bị rối loạn cảm giác khát, khiến họ không cảm thấy khát. Chính vì vậy, hàng ngày họ uống rất ít nước. Cơ thể thiếu nước cũng là một trong các nguyên nhân gây táo bón. Ngoài ra uống ít nước cũng có thể do các bệnh lý như bệnh thận – tiết niệu, u xơ tuyến tiền liệt.
  • Chế độ dinh dưỡng: Việc ăn uống thiếu chất xơ và ăn quá nhiều thức ăn nhiều chất béo, protein, thực phẩm khó tiêu hóa là một trong các nguyên nhân gây táo bón ở người già.
  • Thuốc: Theo nghiên cứu, một số thuốc dùng trong điều trị có thể gây táo bón như: thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị Parkinson, thuốc chứa kim loại như viên sắt, antacid (thuốc kháng acid dạ dày).
  • Do bệnh lý đường tiêu hóa như: ung thư đại trực tràng, bệnh trĩ.

Điều trị táo bón

Nhóm giúp tăng lượng phân

Một trong các nguyên nhân gây táo bón là do ăn thiếu chất xơ, ăn ít, ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng khiến chúng được hấp thu hoàn toàn tại ruột non làm cho lượng chất cặn bã bị đẩy xuống ruột già rất ít, không đủ để kích thích ruột tăng nhu động để tống phân ra ngoài. Chính vì vậy, chúng bị lưu giữ lâu trong ruột già, bị mất nhiều nước khiến chúng khô cứng, thiếu nước và khó khăn khi tống ra ngoài. Chính vì vậy, sử dụng sản phẩm làm tăng lượng phân là một sự lựa chọn thích hợp trong điều trị táo bón nếu nguyên nhân táo bón xuất phát từ việc phân quá ít. Metamucil là một sản phẩm trong nhóm này và được đánh giá rất cao khi sử dụng điều trị táo bón ở người cao tuổi.

Xem thêm: [CHIA SẺ] Những loại nước ép trái cây trị táo bón nhanh và hiệu quả nhất

Metamucil

Metamucil
Ảnh: Metamucil

Là một thuốc có nguồn gốc từ Mỹ và thường được biết đến nhiều hơn với vai trò là một thuốc giảm cân rất hiệu quả do nó cung cấp chất xơ khiến cơ thể cảm thấy ăn nhanh no, giúp khống chế lượng thức ăn vào cơ thể quá lớn gây thừa cân. Trong điều trị táo bón, nhờ việc bổ sung cho cơ thể một lượng lớn chất xơ, chúng vào cơ thể, không được hấp thu ở ruột non mà đi thẳng xuống ruột già, hút nước ở đây làm tăng lượng phân ,giúp phân mềm hơn đồng thời kích thích nhu động ruột giúp phân dễ dàng được tống ra ngoài. Nhờ vậy mà Metamucil có thể dùng trong trị táo bón.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc, một trong các tác dụng phụ thường gặp là gây co thắt dạ dày. Chính vì vậy, khi đang sử dụng mà có biểu hiện trên cần dừng ngay thuốc. Đồng thời không dùng thuốc này đồng thời thuốc này với các thuốc khác mà nên dùng cách xa ít nhất 2h do Metamucil làm giảm sinh khả dụng của các thuốc khác.

Nhóm kích thích

Táo bón khiến phân ở lâu trong ruột, khó tống ra ngoài. Chính vì vậy việc sử dụng các nhóm kích thích nhu động ruột, khiến phân dễ dàng được tống ra ngoài là một sự lựa chọn trong điều trị táo bón.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn 2 thuốc thuộc nhóm này được sử dụng phổ biến, đó là:

Bisacodyl (Dulcolax)

Bisacodyl (Dulcolax)
Ảnh: Bisacodyl (Dulcolax)

Dulcolax là một thuốc không kê đơn được bào chế dưới dạng viên bao tan trong ruột với hoạt chất chính là Bisacodyl, được sử dụng trong điều trị táo bón không rõ nguyên nhân hoặc táo bón do hội chứng đại tràng kích thích gây ra.

Liều lượng và cách dùng (với người lớn): Uống 1-2 viên mỗi ngày vào buổi tối để có thể kích thích nhu động ruột vào sáng hôm sau.

Chú ý

  • Không dùng phối hợp với sữa, thuốc kháng acid dạ dày antacid hay thuốc ức chế bơm H+ vì nó làm giảm sinh khả dụng của thuốc.
  • Chống chỉ định với bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, những người đang mắc các bệnh lý khác: tắc nghẽn ruột, viêm ruột thừa, mất nước nặng.
  • Khi dùng thuốc mà gặp phải các tác dụng phụ như: đau bụng, tiêu chảy, quá mẫn, mất nước, choáng váng thì cần ngừng sử dụng ngay.

Senna

Senna
Ảnh: Senna

Tương tự như Dulcolax, Senna là một thuốc thuộc nhóm nhuận tràng kích thích, được sử dụng trong điều trị táo bón ngắn ngày. Thuốc được bào chế dưới 2 dạng chính là dạng viên nén và dạng siro uống

Liều dùng và cách dùng (với người lớn): Mỗi ngày dùng 1 lần trước khi đi ngủ để kích thích nhu động ruột vào sáng hôm sau. Đối với dạng viên nén, mỗi lần uống 2 viên. Đối với dạng siro, mỗi lần uống 10ml.

Chú ý

  • Khi dùng thuốc mà gặp phải các tác dụng phụ như: co thắt dạ dày, choáng váng, buồn nôn thì cần ngừng sử dụng ngay.
  • Chỉ dùng trong thời gian ngắn, tuyệt đối không sử dụng liên tục trên 1 tuần.
  • Không lạm dụng thuốc, không tự ý thay đổi liều dùng.
  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho người cao tuổi.

Nhóm thuốc tạo lực thẩm thấu

Cơ chế điều trị táo bón của nhóm thuốc này là việc dùng các thuốc sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu ở lòng ruột so với thành ruột. Sự chênh lệch này sẽ kéo nước vào lòng ruột, làm tăng lượng phân và làm mềm phân, giúp phân có thể dễ dàng tống ra ngoài.

Xem thêm: Phan tả diệp trị táo bón mua ở đâu? Có dùng cho trẻ sơ sinh được không?

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cho bạn các thuốc điển hình thường được sử dụng thuộc nhóm này:

Thuốc nhuận tràng Sorbitol

Thuốc nhuận tràng Sorbitol
Ảnh: Thuốc nhuận tràng Sorbitol

Nhờ có thành phần chính là Sorbitol – một loại đường có sẵn trong tự nhiên, thuốc nhuận tràng Sorbitol được sử dụng với vai trò là một thuốc nhuận tràng thẩm thấu do sorbitol khi tới ruột sẽ giúp tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột. Ngoài điều trị táo bón, thuốc còn được dùng trong việc chữa tình trạng chướng bụng, ăn khó tiêu do thuốc kích thích việc sản xuất ra enzym giúp tiêu hóa các chất khó tiêu như lipid và protein. Hiện nay, thuốc được bào chế với 2 dạng chính là dạng đặt trực tràng và dạng uống.

Liều dùng và cách dùng (với người lớn)

  • Dạng uống: Mỗi sáng sau khi ngủ dậy, trước khi ăn sáng, hòa tan 1 gói với nước lọc và sử dụng.
  • Dạng đặt trực tràng: đặt 20-30% mỗi lần 120 ml.

Thuốc MiraLAX

Thuốc MiraLAX
Ảnh: Thuốc MiraLAX

Là một thuốc được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng đến từ Mỹ – Bayer, thuốc MiraLAX được sử dụng như một thuốc trị táo bón nhờ chứa thành phần chính là: Polyethylene Glycol – là một chất có khả năng tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột. Hiện nay, thuốc này được bán trên thị trường ở dạng bột.

Liều dùng và cách dùng (với người lớn):

Mỗi ngày pha 17g bột MiraLAX với nước lọc (hoặc nước hoa quả hay sữa) và uống sẽ giúp điều trị táo bón.

Nên dùng loại thuốc nhuận tràng nào và dùng bao lâu

Tùy thuộc vào loại thuốc nhuận tràng mà bạn sử dụng thì thời gian sử dụng thuốc cũng sẽ khác nhau. Nguyên tắc ưu tiên sử dụng như sau:

Nhóm làm tăng lượng phân > Nhóm tăng áp lực thẩm thấu > Nhóm kích thích

Khi tình trạng táo bón biến mất hoàn toàn thì bạn nên ngừng sử dụng bởi vì nếu tiếp tục sử dụng, có thể gây nên tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên nếu dùng dài ngày (ví dụ như Senna không dùng quá 1 tuần) mà chứng táo bón không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên cân nhắc thay đổi phương pháp điều trị hoặc tới các bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh gặp phải một trong các biến chứng mà táo bón lâu ngày thường gây ra nhất: bệnh trĩ.

Cách phòng ngừa táo bón ở người già

Để phòng ngừa táo bón ở người già, bạn cần:

  • Uống nhiều nước: (>2 lít/ngày). Không áp dụng với trường hợp suy tim ở giai đoạn tiến triển và một số tình trạng bệnh lý khác theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: hạn chế ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, giàu protein, đồ chua cay nóng. Tăng cường ăn nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, rau củ quả vừa giúp bổ sung nhiều chất xơ, vừa cung cấp nhiều vitamin, các nguyên tố vi lượng, chất khoáng giúp tăng cường sức đề kháng và bồi bổ cơ thể.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, vận động phù hợp với tuổi tác và tình trạng sức khỏe. Tránh ngồi một chỗ quá lâu mà nên vận động nhẹ.

Không nên sử dụng loại thuốc nhuận tràng nào?

Người cao tuổi là một đối tượng khá đặc biệt và nhạy cảm, do đó cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc cho người già. Trong trị táo bón, không nên sử dụng loại thuốc nhuận tràng sau:

Các dạng thuốc làm mềm phân sản xuất từ dầu khoáng

Sở dĩ không nên dùng các thuốc làm mềm phân được sản xuất từ dầu khoáng do các sản phẩm này thường mang lại rất nhiều các tác dụng không mong muốn, đồng thời tác dụng của chúng cũng không vượt trội hơn các nhóm nhuận tràng khác. Chính vì vậy, bạn nên chọn các nhóm thuốc nhuận tràng như chúng tôi đã giới thiệu ở trên đồng thời kết hợp với chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý.

Một số thuốc nhuận tràng tự chế tại nhà

Một số thuốc nhuận tràng tự chế tại nhà cũng được khuyến cáo không nên sử dụng do theo nghiên cứu, chúng gây tổn hại niêm mạc đường tiêu hóa, đặc biệt là dùng trong thời gian dài.

Một số thuốc nhuận tràng tự chế thường gặp có thể kể đến như: xà phòng, H2O2.

Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân táo bón ở người già và cách điều trị. Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm thông tin cũng như bạn hay người thân của bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa