Dấu hiệu nhận biết táo bón của bà bầu
Táo bón có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng tỉ lệ cao ở đối tượng bà bầu. Không phải ngẫu nhiêu mà là do những thay đổi trong cơ thể người phụ nữ khi mang bầu. Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ mang bầu sẽ có 4 người bị táo bón ở các giai đoạn của thai kì và tập trung nhiều ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và tháng cuối.
Táo bón ở bà bầu cũng có những dấu hiệu tương tự như táo bón nói chung gồm:
- Cảm giác khó khăn khi đi đại tiện
- Thường không hoặc ít cảm giác mót rặn
- Đòi hỏi rặn mạnh khi đi đại tiện
- Thời gian đại tiện tương đối lâu so với bình thường
- Phân thường có thể chất khô, cứng, vón cục, lớn hay nhỏ bất thường.
Ngoài các triệu chứng điển hình thường xảy ra trong lúc đi đại tiện trên, người bị táo bón còn cảm thấy các dấu hiệu sau:
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, kích động thần kinh, dễ nóng nảy, cáu gắt.
- Đầy bụng, chán ăn, buồn nôn.
Nguyên nhân gây táo bón ở bà bầu
Người phụ nữ khi mang bầu, họ có những thay đổi sinh lí trong cơ thể, và đây được coi là một trong những nguyên nhân chính gây táo bón, bao gồm:
- Khi có thai, nồng độ hormone sinh dục nữ là Progesteron tăng lên mạnh. Đây là hormone giúp ổn định thai nhi trong tử cung và nuôi dưỡng thai nhi. Tuy nhiên hormone này có tác dụng làm giảm co bóp tử cung và gián tiếp ảnh hưởng đến nhu động tại ruột, làm giảm nhu động ruột, gây khó khăn cho hoạt động tiêu hóa và đại tiện.
- Bà bầu thường xuyên bổ sung thuốc chứa hàm lượng canxi và sắt cao, gây táo bón ở phụ nữ mang thai.
- Bà bầu thường có cảm giác nặng nề, ít vận động hoặc hạn chế vận động để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy nên làm cho tình trạng táo bón càng nặng hơn.
- Thói quen ăn uống của bà bầu thay đổi. Chế độ ăn ít rau củ quả, ít chất xơ, hạn chế uống nước đều gây ra những bất lợi cho tiêu hóa và làm tăng cường tình trạng táo bón. Tình trạng nghén, nôn nhiều trong 3 tháng đầu gây rối loạn nước – điện giải cho cơ thể, đặc biệt là thiếu hụt nước, mất nước – dễ gây ra táo bón.
- Căng thẳng và stress là các yếu tố thường thấy ở phụ nữ mang thai, nó có thể bắt nguồn từ sự thay đổi hormone bên trong cơ thể và thay đổi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Căng thẳng làm giảm nhu động ruột, làm giảm hấp thu dinh dưỡng, gây cảm giác đầy trướng bụng, khó tiêu và táo bón. Ngoài ra căng thẳng kéo dài còn làm giảm sút cân nặng, ảnh hưởng tới thai nhi.
- Khi phụ nữ ở giai đoạn cuối của thai kì, lúc này thai nhi đã đạt kích thước và trọng lượng đủ lớn, tạo áp lực mạnh ở đoạn cuối trực tràng, gây ứ tích chất thải tại đây và gây táo bón.
- Ngoài ra, táo bón có thể đến từ một số nguyên nhân khác như cơ địa của người bệnh, lạm dụng thuốc nhuận tràng làm táo bón dễ xảy ra hơn.
Cách phòng chống táo bón
Ăn nhiều trái cây, rau xanh
Trái cây rau xanh rất tốt cho sức khỏe và đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tăng cường lượng trái cây và rau xanh giúp bổ sung lượng lớn chất xơ cho đường tiêu hóa và vitamin cho cơ thể. Chất xơ chính là tác nhân làm cho thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa, thực hiện hấp thu dinh dưỡng dễ dàng tại ruột và kích thích nhu động ruột để đẩy phân ra ngoài qua hậu môn. Trái cây còn chứa sorbitol – chất nhuận tràng tự nhiên, an toàn và lành tính, hỗ trợ tích cực quá trình đi đại tiện.
Bổ sung chất xơ
Chất xơ có thể được bổ sung từ rất nhiều nguồn nhưng chủ yếu là từ rau xanh. Chất xơ làm giảm sự tích tụ của chất cặn bã trong trực tràng tương tự như khi ăn rau xanh. Tuy nhiên đối với ngươi đang bị táo bón thì việc bổ sung nhiều chất xơ lại càng gây ra bất lợi, chúng sẽ càng làm cho đường ruột bị bít tắc, cản trở phân ra ngoài qua hậu môn. Do đó bạn chỉ nên bổ sung thêm chất xơ khi đường tiêu hóa của bạn hoàn toàn khỏe mạnh.
Bổ sung probiotic và prebiotic
Probiotic là vi khuẩn có lợi ở đường ruột, được bổ sung từ ngoài vào để làm tăng cường chức năng tiêu hóa. Đây là loại vi khuẩn đã được nghiên cứu kĩ lưỡng, với những đặc tính của chúng, chúng được thêm vào đường tiêu hóa nhằm mang lại những lợi ích như:
- Cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cạnh tranh nơi sinh sống và thức ăn với vi khuẩn có hại. Tiết ra những chất độc với vi khuẩn có hại, kìm chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột, do đó làm giảm tần suất mắc bệnh đường ruột cho con người.
- Nhờ những chất tổng hợp được từ quá trình phát triển của chúng, chúng ta sẽ được hấp thu một số dưỡng chất như vitamin K và acid béo chuỗi ngắn. Đây là nguồn dinh dưỡng chính của lớp tế bào lót ở ruột. Từ đó làm tăng cường hàng rào bảo vệ đường ruột, cản trở vi khuẩn, virus, tổn thương trên ruột. Từ đó làm giảm nguy cơ ung thư.
Probiotic thường có trong một số loại thực phẩm như sữa chua uống, dưa muối, kim chi. Ngoài ra có thể mua trực tiếp các sản phẩm chứa Probiotic được sản xuất bằng công nghệ sản xuất dược phẩm.
Prebiotic là 1 loại chất xơ có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên, chủ yếu là từ những loại ngũ cốc. Với bản chất là chất xơ, prebiotic sẽ không được tiêu hóa và hấp thụ ở đường ruột, mà dưới hoạt động của vi khuẩn có lợi đường ruột, chúng sẽ biến thành các acid béo chuối ngắn là tăng cường khả năng tiêu hóa ở ruột, đặc biệt là tiêu hóa lipid. Từ đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác đầy trướng bụng, khó tiêu, chán ăn.
Prebiotic có trong một số loại thực phẩm như: đậu Hà Lan, yến mạch, chuối, tỏi, hành tây,… Ngoài ra còn có thể mua một số sản phẩm chứa Prebiotic tại nhà thuốc để bổ sung Prebiotic cho cơ thể.
Sự phối hợp giữa Prebiotic và Probiotic sẽ tạo ra các vitamin, acid béo chuỗi ngắn – thành phần làm tăng cường chức năng tiêu hóa. Từ đó giúp cho đường ruột tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng nhanh. Đồng thời làm giảm tình trạng mất nước cho cơ thể.
Uống nước mỗi ngày
Nước là thành phần không thể thiếu cho cơ thể. Nước được bổ sung qua đường uống và hấp thụ vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Khi cơ thể thiếu nước, cơ thể sẽ huy động nhiều nguồn trong đó có ruột để tăng cường hấp thu nước từ đó làm giảm lượng nước trong phân, khiến phân trở nên khô cứng, gây táo bón. Vậy nên việc bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày sẽ làm giảm tình trạng và tần suất táo bón ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên phụ nữ mang thai thường xảy ra tình trạng phù tay chân do giữ nước, bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ về lượng nước cần bổ sung mỗi ngày sao cho phù hợp.
Thực phẩm kiêng kị
- Phụ nữ có thai không nên uống cà phê. Vì đây là thức uống có tác dụng lợi tiểu, gây giảm lượng nước trong cơ thể, dễ gây ra táo bón.
- Tránh ăn đồ cay nóng, rượu bia – do làm giảm nhu động ruột, tăng nguy cơ táo bón.
- Uống sản phẩm bổ sung canxi và sắt theo đúng khuyến cáo. Trường hợp táo bón nặng có thể dừng việc bổ sung những thực phẩm này.
- Tránh sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây táo bón. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong thai kì.
Tập thể dục
Tập thể dục hay các bài tập vận động nhẹ nhàng chẳng những giúp giảm những bất lợi trong thai kì như giảm phù thũng chân tay, cơ thể linh hoạt, dễ sinh mà còn làm tăng nhu động ruột, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và giảm tình trạng táo bón.
Đi vệ sinh đúng giờ
Khi nhận thấy tín hiệu buồn đi vệ sinh, bạn nên thực hiện đi vệ sinh ngay lúc đó. Bởi đi vệ sinh đúng giờ sẽ có được cảm giác mót rặn khi đi đại tiện, bạn sẽ cảm thấy đại tiện dễ dàng hơn. Ngoài ra lúc này phân đang ở trạng thái mềm với đủ lượng nước, dễ đi qua hậu môn nhất. Trường hợp bạn chưa thể đi vệ sinh ngay lập tức, cảm giác mót rặn sẽ qua đi, nước sẽ được tăng cường hấp thu vào ruột từ phân, lúc này phân sẽ bị cứng rắn, cọ xát gây tổn thương ruột và hậu môn khi đi đại tiện.
Tránh căng thằng, stress
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ mang thai. Căng thẳng gây ra bất lợi rất lớn cho cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó trong quá trình mang thai, người phụ nữ nên giảm thiểu tránh căng thẳng thần kinh. Giữ suy nghĩ thoải mái, dễ chịu, đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ.
Một số lưu ý khi chống táo bón cho bà bầu
Không thay đổi thói quen đột ngột
Việc thay đổi thói quen đột ngột khiến cơ thể không thể thích nghi kịp sẽ gây ra một số bất lợi. Ví dụ khi bạn thường xuyên bị táo bón, bạn muốn giảm thiểu tình trạng này bằng việc ăn rất nhiều chất xơ. Lượng chất xơ tăng đột ngột như vậy sẽ làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi do thiếu dinh dưỡng trong thức ăn, cảm giác bí tắc ở ruột do lượng chất xơ không thể tiêu hóa còn đọng lại trong ruột. Chất xơ quá nhiều khiến phân trở nên cứng rắn, khối lượng lớn, khó đi qua hậu môn gây táo bón ngược trở lại.
Ăn 6 bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn
Điều này cần thiết ở tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ bị táo bón. Có thể giải thích lưu ý này như sau: Thai nhi phát triển về mặt kích thước và khối lượng sẽ chèn ép lên ổ bụng của mẹ bầu, trong đó có đường ruột. Điều đó làm cho chuyển động ở các đoạn của đường ruột sẽ khó khăn. Nếu lượng thức ăn trong đường ruột quá nhiều cùng lúc, sẽ khiến cho mẹ bầu cảm thấy tức bụng, khó tiêu, khối thức ăn khó di chuyển xuống phía dưới trong đường ruột làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng tại ruột. Do đó, mẹ bầu nên ăn ít một mỗi lần và chia thành nhiều lần ăn trong ngày. Cách này sẽ giúp cho mẹ vẫn đủ dinh dưỡng để nuôi con, đồng thời chất thải của mẹ sẽ được đưa từng ít một xuống trực tràng nên không gây ra tắc nghẽn, táo bón.
Hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng thường được các chị em mang bầu nghĩ đến khi táo bón Hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng để trị táo bón cho mẹ bầu nhưngg chủ yếu là thuốc trị táo bón chứa chất xơ tự nhiên, thuốc chứa Glycerin,… Tuy nhiên mẹ bầu nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng các thuốc nhuận tràng vì một số loại thuốc sẽ không đảm bảo an toàn cho phụ nữ thai kì.
Xem thêm: Bà bầu bị táo bón có nguy hiểm không, cần lưu ý những gì?