Xuất huyết dạ dày là gì? Cách điều trị, xử lý, chăm sóc khi bị xuất huyết

Bạn đang bị xuất huyết dạ dày? Bạn lo lắng vì không biết phải xử lý như thế nào vì không biết bất cứ thông tin gì về căn bệnh này? Vậy thì hãy để chúng mình cung cấp cho bạn các thông tin về bệnh này.

Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày hay còn được gọi là chảy máu dạ dày là một loại xuất huyết nội tạng, đặc trưng bởi sự chảy máu ồ ạt của niêm mạc dạ dày do các tổn thương chưa được chữa trị gây ra. Đây là một bệnh cấp cứu nội và ngoại khoa, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng hết sức nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến cả mạng sống của người bệnh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trưởng thành từ khoảng 25-50 tuổi, phổ biến ở nam giới hơn nữ giới do nam giới thường uống nhiều bia rượu cũng như sử dụng nhiều chất kích thích khác. Bệnh ít gặp ở người già nhưng một khi những người cao tuổi mắc phải căn bệnh này thì nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các người trẻ tuổi.

Nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày

Theo nghiên cứu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết dạ dày. Phải xác định được nguyên nhân gây bệnh thì mới có thể chọn phác đồ điều trị bệnh phù hợp được. Một số nguyên nhân thường gặp như:

Đang mắc hoặc có tiền sử mắc viêm loét dạ dày tá tràng

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra xuất huyết dạ dày do viêm loét dạ dày tá tràng về lâu dài sẽ làm cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương và nặng nhất chính là dạ dày bị chảy máu. Một số nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp phải kể đến như:

  • Vi khuẩn H.pylori ( chiếm khoảng 50%)
  • Sử dụng nhiều bia rượu
  • Lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm
  • Ăn uống không lành mạnh
  • Căng thẳng kéo dài

Sử dụng thuốc nguy cơ cao trên tiêu hóa

Sử dụng thuốc nguy cơ cao trên tiêu hóa
Sử dụng thuốc nguy cơ cao trên tiêu hóa

Một trong các nhóm thuốc phổ biến và thường xuyên được sử dụng nhất có khả năng gây tổn thương trên đường tiêu hóa chính là thuốc chống viêm, giảm đau phi steroid hay còn được gọi là thuốc NSAIDs như aspirin, naproxen, indomethacin, piroxicam. Các thuốc này có khả năng gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa do nó ức chế COX-1 trên đường tiêu hóa dẫn đến làm giảm tiết prostagladin sinh học có tác dụng bảo vệ niêm mạc khiến cho niêm mạc dễ bị tổn thương hơn. Một nguyên nhân khác là do các thuốc nhóm này thường có tính acid, không tan trong dạ dày mà thay vào đó nó kết tụ lại thành các tinh thể, kích thích gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, một nhóm thuốc có nguy cơ rất cao trên tiêu hóa phải kế đến thuốc glucocorticoid như  prednisolone, methylprednisolone. Corticoid có tác dụng làm tăng tiết dịch vị và pepsin ở dạ dày đồng thời giảm tiết chất nhầy, giảm tổng hợp các prostagladin sinh học có tác dụng bảo vệ niêm mạc dày. Sự mất cân bằng giữa hai yếu tố tấn cống và bảo vệ là nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến xuất huyết dạ dày.

Hội chứng Mallory Weiss

Hội chứng Mallory Weiss là những vết rách xuất hiện ở niêm mạc dạ dày hay thực quản, thường do sự tăng áp lực của ổ bụng như: nôn nhiều, buồn nôn, ho liên tục. Vết rách này gây ra chảy máu đường tiêu hóa khiến bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen có mùi thối khắm. Hội chứng này thường gặp ở những người sử dụng nhiều bia rượu hay những người nghiện rượu.

Stress kéo dài, căng thẳng, lo âu.

Khi bị stress kéo dài, căng thẳng, lo âu, cơ thể sẽ có cơ chế điều hòa bằng cách kích thích vỏ thượng thận tiết ra hormon cortisol. Hormon này giúp cơ thể chống lại stress bằng việc khởi động các đáp ứng với những nguyên nhân gây ra stress. Tuy nhiên, hormon này cũng kích thích dạ dày tăng bài tiết dịch vị. Sự tăng dịch vị trong dạ dày về lâu dài gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn tới xuất huyết dạ dày

Sử dụng nhiều chất kích thích

Đây là một nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết dạ dày hiện nay. Một số chất kích thích rất hay được sử dụng phải kể đến như: khói thuốc lá, rượu bia, cafe. Cơ chế như sau:

  • Khói thuốc lá sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây phá hủy lớp chất nhầy –  yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho acid HCl của dạ dày tấn công sâu hơn vào bên trong.
  • Với thành phần chính là ethanol, khi vào cơ thể, rượu bia chuyển thành các aldehyde là các chất gây độc với niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, rượu còn kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, tăng yếu tố tấn công vào lớp chất nhầy.
  • Cafe: Vị đắng của cafe là một yếu tố làm tăng dịch vị dạ dày. Vì vậy, sử dụng cafe khi đang đói đặc biệt nguy hiểm, gây tổn thương niêm mạc dạ dày nếu sử dụng lâu dài.

Triệu chứng xuất huyết dạ dày

Triệu chứng xuất huyết dạ dày
Triệu chứng xuất huyết dạ dày

Triệu chứng cơ năng

  • Đi ngoài phân đen có mùi thối khắm: Đây được xem là biểu hiện điển hình của xuất huyết dạ dày. Nguyên nhân là do máu bị chảy ra sẽ được đào thải ra ngoài qua phân. Phân càng đen và lượng phân càng nhiều cho biết mức độ chảy máu dạ dày càng nặng.
  • Xuất huyết bao tử nôn ra máu: đây cũng là một triệu chứng cơ bản. Người bệnh cảm thấy buồn nôn, miệng tanh mùi máu, chướng bụng, nôn ra máu kèm thức ăn. Chất nôn thường có màu nâu như bã cà phê.
  • Đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn: Bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội, mặt tái nhợt, trắng bệch, vã mồ hôi. Cơn đau thường khởi phát ở vùng thượng vị sau đó lan ra khắp bụng.

Triệu chứng toàn thân

  • Cơ thể mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao: Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do nôn và đi ngoài ra máu khiến cơ thể mất rất nhiều máu làm bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, hoa mắt, tụt huyết áp, hoa mắt, da xanh xao.
  • Sốc do chảy máu dạ dày: Mất máu gây giảm thể tích tuần hoàn đột ngột gây sốc với biểu hiện: co giật, thiếu oxi lên hàng rào máu não. Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng, để lại biến chứng hết sức nguy hiểm về sau.

Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?

Do là một loại xuất huyết nội tạng nên xuất huyết dạ dày gây khó khăn trong việc cầm máu, vì vậy, đây được xem là một bệnh cấp cứu nội và ngoại khoa, hết sức nguy hiểm. Tùy vào lượng máu mất mà bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau, gây tổn thương ở các mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân dễ bị sốc nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, khi lượng máu mất đi quá nhiều, bệnh có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân do máu mất đi quá nhiều. Khi có những triệu chứng điển hình của xuất huyết dạ dày được kể trên, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả và biến chứng không đáng có.

Cách chữa xuất huyết dạ dày

Cấp cứu xuất huyết dạ dày như thế nào?

Nguyên tắc

  • Khẩn trương, kịp thời đặc biệt với những bệnh nhân bị xuất huyết ở mức độ nặng.
  • Chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Kết hợp đồng thời biện pháp để cầm máu, loại bỏ nguyên nhân gây chảy máu dạ dày và hồi sức nội khoa cho bệnh nhân như bù máu, bù thể tích tuần hoàn bị giảm, đưa huyết áp về ngưỡng bình thường, nằm đầu thấp, thở oxi, nhịn ăn uống.

Các biện pháp sơ cứu ban đầu

  • Đối với các bệnh nhân nhẹ:

Để hạn chế lượng máu chảy, cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu thấp, hai chân cao. Hạn chế cho bệnh nhân cử động nhiều, mất máu có thể khiến bệnh nhân cảm thấy lạnh vì vậy, nên đắp thêm chăn cho người bệnh.

Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

  • Đối với các bệnh nhân nặng:

Sơ cứu tương tự các bệnh nhân nhẹ. Chú ý không tùy tiện cho người bệnh sử dụng các thuốc có tác dụng cầm máu vì có thể khiến tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.

Khẩn trương đưa người bệnh tới bệnh viện.

Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày

Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày
Phác đồ điều trị xuất huyết dạ dày

Tùy thuộc vào mức độ của bệnh mà bệnh nhân sẽ được điều trị theo những phác đồ khác nhau:

Đối với các bệnh nhân mất máu nhiều dẫn tới thiếu máu nặng, có biểu hiện sốc

  • Cho bệnh nhân thở oxi và thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch để có thể truyền nước muối sinh lý NaCl 0.9% cho bệnh nhân ( đến khi huyết áp ổn định ở mức bình thường) và truyền máu.
  • Lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm.
  • Nếu chỉ số hematocrit dưới 30% và bệnh nhân nôn ra máu thì tiến hành truyền máu toàn phần.
  • Cho bệnh nhân nhịn đói và có thể rửa dạ dày ( hiện nay ít dùng)

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày mà sẽ có các phác đồ điều trị riêng theo quy định của bộ y tế.

Đối với các bệnh nhân có tình trạng ổn định, máu chảy không quá nhiều

  • Trong khi các bác sĩ xem xét chỉ định nội soi và phẫu thuật, cần nhịn đói.
  • Làm các xét nghiệm để tìm và điều trị nguyên nhân.
  • Đối với trường hợp bệnh nặng, có thể nguy hiểm tới tính mạng: nội soi tiêu hóa.

Cách chữa xuất huyết dạ dày tại nhà

Mặc dù được khuyến cáo đưa bệnh nhân xuất huyết dạ dày kịp thời tới bệnh viện, tuy nhiên, một số trường hợp ở thể nhẹ, vẫn có thể áp dụng các biện pháp sau để hạn chế sự chảy máu và các triệu chứng ngay tại gia:

Sử dụng mật ong và nghệ

Với khả năng kháng vi khuẩn H. pylori –  tác nhân cơ bản gây loét dạ dày – tá tràng và có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và giúp vết thương mau khỏi của mật ong cùng với khả năng giảm mức độ chảy máu của nghệ nhờ thành phần có chứa curcumin, chính vì vậy, sự kết hợp này có tác dụng chữa trị xuất huyết dạ dày.

Cách tiến hành như sau:

  • Trộn đều mật ong và bột nghệ thành hỗn hợp theo tỷ lệ 1:2
  • Vắt thành các viên tròn nhỏ vừa ăn

Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát để sử dụng dần.

Liều dùng: Sử dụng mỗi ngày 3 lần vào sáng, trưa, tối. Kiên trì sử dụng để thấy rõ được hiệu quả

Ngoài ra có thể pha trà nghệ và thêm mật ong vào để chữa xuất huyết dạ dày.

Một lưu ý nhỏ là nên lựa chọn nghệ vàng do theo y học cổ truyền, nghệ đen không những không giúp cầm máu mà còn làm máu chảy nhiều hơn.

Sử dụng táo đỏ

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng táo đỏ giúp cầm máu, bổ máu, giảm đau dạ dày do đó nó mang lại hiệu quả giúp giảm các triệu chứng do xuất huyết dạ dày gây ra.

Cách tiến hành như sau:

  • Cho nguyên liệu vào ấm bao gồm: 10 quả táo đỏ, 50 gam hạt sen và 2 bát nước. Sắc đến khi nước còn khoảng ¼ lượng ban đầu thì tắt bếp.
  • Chắt lấy nước và chia làm hai phần sử dụng vào sáng và tối. Nên dùng khi còn nóng.

Sử dụng nha đam

Sử dụng nha đam
Sử dụng nha đam

Nha đam hay còn gọi là lô hội có khả năng giảm đau, giúp vết thương ở dạ dày mau lành, có tác dụng trong điều trị xuất huyết dạ dày.

Cách làm như sau:

  • Lấy phần thịt nha đam sau đó mang đi rửa sạch bằng nước muối để loại phần đắng.
  • Xay nhuyễn rồi thêm khoảng 1 thìa mật ong vào và sử dụng.
  • Nên dùng 2 lần/ ngày vào sáng và tối.
  • Chống chỉ  định với những người mắc hội chứng ruột kích thích.

Sử dụng một số thuốc ở nhà

Một số thuốc có thể sử dụng như: Cimetidin, Famotidin, Ranitidin. Đây là các thuốc thuộc nhóm có khả năng ức chế tiết acid hoặc trung hòa acid ở dạ dày, nhờ vậy làm cho tổn thương không xâm nhập sâu hơn vào bên trong và gây xuất huyết. Các thuốc này được tiêm qua tĩnh mạch vì vậy bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng mà nên hỏi trước ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Phòng ngừa xuất huyết dạ dày

  • Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng, stress.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Hạn chế ăn các thức ăn và sử dụng các thuốc không tốt do dạ dày đồng thời tăng cường bổ sung thêm nhiều rau củ, hoa quả và chất xơ cho cơ thể.
  • Vệ sinh ăn uống: ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, để tránh nhiễm vi khuẩn H.pylori. Khi bị nhiễm vi khuẩn này, cần sớm phát hiện và điều trị kịp thời.

Một số câu hỏi thường gặp

Xuất huyết dạ dày có chữa được không?

Mặc dù là một bệnh khá nguy hiểm, nếu bệnh nhân bị xuất huyết quá nặng có thể đe dọa tới tính mạng, tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất, khi các triệu chứng còn chưa trở nặng, bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh mà mỗi bệnh nhân có khả năng hồi phục khác nhau.

Xuất huyết dạ dày có phải mổ không?

Là một bệnh cấp cứu nội và ngoại khoa, tùy thuộc vào tình trạng và mức độ của xuất huyết mà bệnh nhân có thể được điều trị theo các phác đồ khác nhau: chỉ định nội soi hay phẫu thuật. Cụ thể như phải mổ bụng nếu chảy máu do thủng dạ dày hay không cần mổ mà chỉ cần can thiệp qua đường miệng trong trường hợp loét dạ dày gây xuất huyết. Để tránh tình trạng bệnh nhân trở nên trầm trọng thì trước tiên, các biện pháp sơ cứu ngay tại nhà là hết sức quan trọng rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Xuất huyết dạ dày nên ăn gì kiêng gì ?

Đối với các bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến điều trị bệnh, cần tuân thủ:

  • Không sử dụng các chất kích thích có hại cho dạ dày như: uống bia rượu, hút thuốc lá, uống nhiều cà phê.
  • Ăn các thực phẩm dạng lỏng, mềm như cháo; hạn chế dùng các món ăn nhiều dầu mỡ và muối.
  • Hạn chế dùng các đồ uống có gas do chúng có chứa CO2, pH nghiêng về acid vì vậy nếu dùng trong một thời gian dài làm cho tổn thương dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không dùng các thực phẩm khó tiêu như đồ sấy khô do làm dạ dày tăng co bóp để tiêu hóa, tạo điều kiện để tổn thương lan rộng; tránh dùng đồ ăn nhanh do có chứa nhiều phụ gia kích thích dạ dày tăng tiết acid.
  • Bổ sung nhiều thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa như: sữa chua, men vi sinh giúp bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể, ít nhất 2 lít/ ngày.
  • Ăn chín uống sôi, thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống.
  • Trong quá trình ăn: nhai thật kĩ, ăn thật chậm để giúp dạ dày dễ tiêu hóa thức ăn.
  • Ăn nhiều rau củ, hoa quả, chất xơ.

Bệnh xuất huyết dạ dày có lây không ?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bệnh xuất huyết dạ dày có thể lây hoặc không. Nếu nguyên nhân do virus hay vi khuẩn thì bệnh có thể dễ dàng lây qua các con đường như là: dùng chung đồ đạc như bàn chải đánh răng, nói chuyện với người bệnh làm vi khuẩn lây qua nước bọt, đường phân – miệng nếu vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường không đảm bảo. Vì vậy ở những trường hợp này cần nhanh chóng cách ly bệnh nhân để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Các nguyên nhân khác gây bệnh như lo âu, căng thẳng, sử dụng nhiều chất kích thích thì hầu như không lây nhiễm.

Xuất huyết dạ dày phải nằm viện bao lâu ?

Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bệnh nhân có thể cần nằm viện hoặc không, vì thế nên khó có thể có một thời gian cụ thể tuy nhiên, theo thống kê, thời gian nằm viện trung bình từ 7-10 ngày.

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa