Những biểu hiện cho thấy bạn đang bị táo bón
Táo bón khá thường gặp ở mọi độ tuổi, có thể ai cũng đã từng bị táo bón nhưng không phải ai cũng nhận biêt được các dấu hiệu của táo bón. Táo bón không phải là bệnh, mà là một hội chứng, trong đó có sự rối loạn cảm giác đại tiện với những biểu hiện như sau:
- Phân cứng và rắn.
- Cảm giác tắc nghẽn ở vùng hậu môn – trực tràng, có cảm giác đi đại tiện không hết phân.
- Đi đại tiện ít hơn 3 lần trong tuần.
- Có lẫn máu trong phân.
- Khó khăn khi đi đại tiện, cần phải có sự trợ giúp bằng tay hay đè nén thành bụng để đẩy phân ra ngoài.
Nếu bạn có 2 trong số những biểu hiện trên, chắc hẳn bạn đang bị táo bón rồi đó.
Xoa bụng có thực sự chữa được táo bón?
Xoa bụng là môt động tác rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện. Tưởng chừng sự đơn giản đó không có tác dụng đáng kể, thì thực tế hoàn toàn ngược lại, xoa bụng là phương pháp vừa nhanh gọn, đơn giản, hiệu quả lại vừa tiết kiệm thời gian, chi phí trong phòng và điều trị táo bón. Xoa bụng đem lại nhiều lợi ích cho đường ruột, đồng thời kích thích sự phát triển của hệ thống não bộ, giúp thư giãn thần kinh, thúc đẩy tăng trưởng và sự hoàn thiện của hệ thống miễn dịch. Vậy nên xoa bụng là lựa chọn điều trị táo bón ưu tiên ở trẻ nhỏ.
Công dụng của xoa bụng trong chữa táo bón
Xoa bụng là động tác kích thích liên tục vào thành bụng nhờ sự chuyển động từ từ, chậm rãi của bàn tay. Có nhiều cách để xoa bụng nhưng điểm chung của tất cả các cách này đều là tăng cường vận cơ bụng. Từ đó gián tiếp kích thích lên đường tiêu hóa. Ở dạ dày, sự co bóp của dạ dày sẽ giúp nhào trộn thưc ăn với acid dịch vị hiệu quả hơn, tăng cường phân cắt protein để chuẩn bị cho giai đoạn hấp thu tại ruột. Ruột non sau đó sẽ tiếp nhận các chất dinh dưỡng đã được xử lí sơ bộ tại dạ dày, để bắt đầu quá trình xử lí chi tiết. Khi tăng nhu động đường ruột sẽ làm tăng sự tiếp xúc của thành ruột với chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho sự hấp thu triệt để dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời nhu động đường ruột sẽ tạo điều kiện giữ nước trong lòng ruột, chất cặn bã còn lại trong ruột nhờ đó mà không trở nên cứng rắn, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Nếu bạn đã mắc táo bón, việc xoa bụng sẽ kích thích nhu động ruột, đưa nước vào trong lòng ruột làm mềm phân, đồng thời tạo cảm giác mót rặn, đẩy phân đi xuống hậu môn dễ dàng.
Các cách xoa bụng chữa táo bón cho trẻ
Lưu ý trước khi xoa bụng cho bé
Để xoa bụng cho bé được hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa trên giường, để cho bé nằm ở tư thế thoải mái, êm ái.
- Sử dụng công cụ hỗ trợ xoa bụng bé như chất bôi trơn như tinh dầu hoặc kem massage. Tuy nhiên cần phải lựa chọn thật cẩn thận để tránh gây kích ứng, hư hại cho làn da bé.
- Xoa bụng cho bé bằng 1 bàn tay không có trang sức, đồng thời tránh để móng tay dài sẽ vô tình làm tổn thương da bụng của bé.
- Nên xoa bụng cho bé vào thời điểm thích hợp. Có 3 thời điểm nên tránh đó là ngay trước ăn và trong bữa ăn, sau ăn 1 giờ và trước khi đi ngủ.
- Cần xoa bụng bé nhẹ nhàng, không làm đau bé. Nếu bé có biểu hiện khó chịu, quấy khóc cần trấn an bé.
Cách xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ
Bạn đặt ngón tay cái cạnh mép rốn của trẻ, sau đó di chuyển ngón tay từ từ theo chiều kim đồng hồ. Trong quá trình di chuyển, mẹ từ từ thêm các ngón tay còn lại và cuối cùng là đặt cả bàn tay lên bụng của bé. Mẹ nên xoa theo chiều xoắn ốc từ trong ra ngoài, xoa đều và lan ra tận mép bụng, lấy rốn làm trung tâm bởi vì cách xoa này sẽ tập trung các kích thích chủ yếu ở ruột, tuân theo chiều hướng di chuyển tự nhiên của thức ăn trong đường tiêu hóa. Trong khi xoa, mẹ nên kiểm soát tay để tạo ra di chuyển nhẹ nhàng mà không tác động lên trẻ bằng lực mạnh. Sự êm ái nhẹ nhàng trong động tác cũng như sự ấm nóng của bàn tay mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy bụng dễ chịu, giảm tình trạng căng tức và khó tiêu.
Cách xoa bụng theo kiểu I LOVE YOU
Đây là cách xoa bụng dựa trên cách viết in hoa của 3 chữ “I”, “L”, “U”.
- Đầu tiên, mẹ hãy xoa bụng bé theo chiều dọc từ bên phải rốn của bé, vuốt dọc xuống đến trên xương hông cùng bên để tạo thành chữ “I”. Sau đó mẹ hãy chuyển qua bên trái và lặp lại động tác tương tự như bên phải. Rồi mẹ lặp lại thêm 9 lần phải – trái nữa nhé.
- Tiếp theo, bạn xoa bụng theo cách viết chữ “L” ngược như sau:
- Bạn đặt 5 ngón tay ở phần dưới sườn phải, kéo qua bên trái tới điểm dưới của sườn trái, sau đó tiếp tục kéo xuống phía dưới cho đến điểm trên xương hông trái thì dừng lại. Bạn lặp lại động tác trên theo chiều từ trái qua phải theo cách tương tự. Rồi bạn lặp lại động tác thêm 9 lần phải – trái nữa nhé.
- Cách vuốt theo chữ “U” ngược như sau:
- Bạn đặt 5 đầu ngón tay ở điểm trên xương hông phải, kéo lên đến điểm dưới sườn phải, đi sang ngang đến điểm dưới sườn trái rồi kéo xuống điểm trên xương hông trái. Bạn lặp lại từ phía bên trái tương tự như phía bên phải rồi làm thêm 9 lần chu kì phải – trái như thế nữa nhé.
Lưu ý, các động tác nên làm theo thứ tự “I”, “L”, “U” và theo chiều từ phải qua trái.
Sau khi đã hoàn thành động tác massage theo kiểu I LOVE YOU, bạn nên massage bụng của bé theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 phút để tác động vào toàn bộ đường ruột.
Xoa bụng chữa táo bón ở người lớn
Xoa bụng chữa táo bón ở người lớn nhìn chung cũng tương tự như ở trẻ em. Tuy nhiên người lớn có thể tự xoa bụng hoặc có thể nhờ sự trợ giúp của người khác. Nếu người lớn tự xoa bụng, có thể thực hiện theo cách sau:
- Tư thế xoa bụng: đứng thẳng hoặc ngồi có ghế tựa.
- Cách xoa: 1 tay chống vào phần eo cùng bên, tay còn lại đặt lên vùng bụng quanh rốn, xoa từ điểm cạnh rốn lan rộng ra khắp bụng theo chiều kim đồng hồ. Vòng xoa sẽ lần lượt đi qua vùng bụng dưới trái – phải và xoa theo hình chữ U ngược – khung đại tràng. Bạn lặp lại vòng xoa khoảng 35 lần rồi đổi tay và làm tương tự như bên còn lại.
- Nếu có sự hỗ trợ của người khác, có thể xoa bụng theo chiều kim đồng hồ hoặc theo kiểu I LOVE YOU ở tư thế nằm ngửa.
Một số cách massage khác chữa táo bón
Massage đại tràng
Đại tràng chính là nơi tiếp giáp với trực tràng, hay là 1 phần của ruột già, là nơi lưu trữ chất cặn bã trước khi chúng được đẩy ra ngoài. Vì vậy đại tràng có vai trò rất lớn trong hoạt động đại tiện của con người. Xoa bóp đại tràng sẽ giúp cho nhu động đại tràng nhịp nhàng, trôi chảy để đưa phân đi đến trực tràng và đi ra hậu môn. Xoa bóp đại tràng thực chất là một loại xoa bụng nâng cao, còn gọi là xoa bóp nội tạng. Xoa bóp đại tràng đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh như:
- Giảm tình trạng đầy trướng, căng phình bụng nhờ đẩy hơi xuống phía dưới, đi ra ngoài qua hậu môn.
- Giảm kích thích gây căng thẳng, khó chịu thần kinh – thường gặp ở những người bị táo bón.
- Kích thích chất nhầy ở đường ruột, giảm ma sát giữa phân và thành ruột, tạo điều kiện cho phân di chuyển dễ dàng.
- Giảm hấp thụ nước từ phân đến đại tràng, do đó giữ được độ ẩm nhất định trong phân, giữ phân ở trạng thái mềm.
- Tạo cảm giác đói bụng, kích thích ăn uống và cảm giác ngon miệng.
Xoa bóp đại tràng có thể thực hiện như sau:
- Nằm kết hợp co chân để giữ bụng thoải mái. Bạn nên nằm ngửa để quá trình xoa bóp thuận tiện nhất.
- Đặt đầu ngón tay trỏ kết hợp tăng áp lực lên bụng cho đến mức còn chịu được. Xoa bắt đầu từ góc phần tư phía dưới bên phải của bụng rồi đi lên trên đến vùng hạ sườn phải, tiếp tục chuyển qua hạ sườn trái và đi xuống góc phần tư phía dưới bên trái bụng rồi kết thúc quãng đường tại vùng cạnh rốn.
- Trong quá trình di chuyển của ngón tay, bạn có thể kéo dài và tăng lực tại các vùng bụng bạn thấy dễ chịu hơn khi xoa bóp.
Massage chân
Chân là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh chi phối rất nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó chủ yếu là các tạng. Việc xoa bóp chân sẽ không chỉ giúp lưu thông máu mà còn kích thích vào các đầu dây thần kinh nội tạng, trong đó có đường ruột để kích thích nhu động ruột, tăng cường tiêu hóa và hạn chế tình trạng táo bón.
Để xoa bóp bàn chân, bạn có thể sử dụng đầu ngón tay cái ấn liên tục với lực vừa phải vào gót chân, rồi vừa ấn vừa di chuyển ra vị trí giữa lòng bàn chân rồi lan khắp lòng bàn chân, kể cả đầu ngón chân. Mỗi lần massage có thể kéo dài khoảng 15 phút. Xoa bóp cho từng bên chân rồi lặp lại tương tự đối với bàn chân còn lại.
Massage đáy chậu
Đáy chậu là nơi tiếp giáp với hậu môn. Massage đáy chậu giúp làm thư giãn và tăng tính đàn hồi cơ hậu môn từ đó làm giảm nguy cơ nứt kẽ hậu môn trong táo bón. Ngoài ra massage đáy chậu còn kích thích trực tiếp tạo cảm giác mót rặn. Massage đáy chậu đã cho thấy hiệu quả vượt trội trong điều trị táo bón.
Để thực hiện massage đáy chậu, bạn làm như sau:
- Bạn dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa kết hợp đồng thời để nhấn vào tầng sinh môn – nơi tiếp giáp của bộ phận sinh dục và hậu môn.
- Tiếp theo đó, bạn dùng lực ấn 2 ngón tay về phía hậu môn nhưng vẫn giữ trên vùng da của tầng sinh môn.
- Mỗi chu kì ấn thường kéo dài khoảng 3 giây.
- Bạn nên lặp lại động tác khoảng 5 lần hoặc cho đến khi bạn có cảm giác buồn đi đại tiện thực sự.
Massage lưng
Xoa bóp vùng lưng là biện pháp làm thư giãn cơ, làm giảm căng thẳng, mệt mỏi cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt ở những người vận động nặng thường xuyên, gắng sức. Sự thoải mái về thể chất và tinh thần sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đường tiêu hóa.
Massage lưng không thể tự thực hiện mà cần có sự trợ giúp từ người khác, tốt nhất là nên được massage lưng bởi người có kinh nghiệm hoặc các chuyên gia trị liệu.
Ngoài cách xoa bụng nên lưu ý một số cách giảm táo bón
Để giảm táo bón, có một số cách như sau:
- Chế độ ăn uống: đảm bảo chế độ ăn uống hợp lí. Nếu bạn là người thường xuyên bị táo bón, bạn nên giảm lượng thịt tiêu thụ, đồng thời tăng lượng chất xơ và đảm bảo uống đủ lượng nước khuyến cáo mỗi ngày (1.5 đến 2 lít nước).
- Đảm bảo sự riêng tư và thoải mái khi đi đại tiện.
- Tăng cường vận động thường xuyên.
- Tránh căng thẳng, stress.
Xem thêm
[Mách bạn] Mẹo chữa táo bón bằng nha đam cực đơn giản tại nhà
[Mách bạn] Cách điều trị táo bón cho bé tại nhà bằng rau diếp cá cực hiệu quả!
[MÁCH BẠN] Một số mẹo chữa táo bón bằng mật ong đơn giản tại nhà