Táo bón là một tình trạng thường xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó việc sử dụng kháng sinh kéo dài được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Vậy liệu rằng uống kháng sinh có thực sự gây ra tình trạng táo bón? Cách điều trị của những trường hợp này là như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc đó.
Uống kháng sinh có thực sự bị táo bón?
Kháng sinh là một trong những loại thuốc thường được sử dụng, tuy nhiên ngoài những tác dụng điều trị tốt thì chúng còn là nguyên nhân gây ra khá nhiều những tác dụng phụ khác, nhất là trong trường hợp phải dùng kéo dài. Một trong số những tác dụng không mong muốn đó là gây ra tình trạng táo bón ở nhiều người. Đây là một trong những triệu chứng hay gặp nhất khi sử dụng kháng sinh.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể kể đến bao gồm:
- Cơ chế tác dụng chính của kháng sinh là tiêu diệt các loại vi khuẩn, từ đó cải thiện tình trạng bệnh do các vi khuẩn có hại gây ra. Tuy nhiên, ngoài việc ức chế các vi khuẩn gây bệnh, sử dụng kháng sinh còn giết chết cả những vi khuẩn có lợi, đặc biệt là những lợi khuẩn có ích cho đường ruột như bifidobacteria, lactobacillus. Do đó uống kháng sinh kéo dài có thể khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn, thức ăn khó được hấp thu hơn dẫn đến táo bón.
- Các hoạt chất có trong kháng sinh còn gây ra sự ức chế hoạt động của nhu động ruột, từ đó cũng khiến quá trình tiêu hóa trở nên chậm chạp khó khăn hơn, gây ra các rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu và đặc biệt thường gặp, kéo dài lâu là táo bón.
Tình trạng táo bón do uống kháng sinh thường hay gặp ở đối tượng là trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu hơn người lớn. Do vậy, điều trị táo bón do kháng sinh gây ra luôn là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của các bà mẹ.
Uống kháng sinh bị táo bón có nguy hiểm không?
Táo bón là một bệnh lý thường gặp ở nhiều người, tuy không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây ra rất nhiều sự khó chịu cho người mắc phải. Hơn thế nữa, nếu tình trạng táo bón trở nên nặng hơn và kéo dài, lặp đi lặp lại có thể gây ra các biến chứng nguy hại cho cơ thể như:
- Gây tổn thương niêm mạc của đại trực tràng, gây ra cảm giác đau đớn mỗi lần đi vệ sinh.
- Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ. Do việc khó đi ngoài, mỗi lần đi nặng đều phải dùng sức rất lớn nên sẽ làm tăng áp lực lên các bũi trĩ, khiến các búi trĩ dần to ra, chảy máu, dẫn đến bệnh trĩ.
- Tắc ruột: do táo bón lâu ngày khiến một lượng lớn chất thải bị tích tụ lại trong đường ruột, dẫn đến tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
- Có nguy cơ dẫn đến ung thư hậu môn – trực tràng nếu tình trạng táo bón diễn ra trong thời gian dài.
Ngoài việc gây ra tình trạng táo bón, việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và kéo dài còn gây ra một số tác dụng không mong muốn có hại cho sức khỏe khác như: loạn khuẩn ở đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc kháng sinh dẫn đến tỏn thương chức năng thận, rối loạn thần kinh, và đặc biệt gây ra tình trạng nhờn thuốc, kháng kháng sinh rất nguy hiểm cho hệ miễn dịch. Vì vậy, cần hạn chế lạm dụng kháng sinh, không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Cách chữa táo bón khi uống kháng sinh
Có khá nhiều biện pháp có thể dùng để điều trị táo bón sau khi sử dụng kháng sinh, có cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, trong đó những biện pháp thay đổi lối sống, lối sinh hoạt thường được nhắc đến hơn cả vì chúng vừa có tác dụng tốt vừa có lợi cho sức khỏe. Dưới đây sẽ là một số biện pháp có thể áp dụng khi xảy ra tình trạng táo bón sau khi sử dụng kháng sinh có tác dụng khá tốt mà bạn có thể áp dụng, bao gồm:
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả vô cùng lớn trong việc cải thiện tình trạng táo bón khi sử dụng kháng sinh. Bởi nước là một thành phần rất quan trọng, đóng góp vào mọi hoạt động bình thường của cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa. Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp các loại thức ăn được tiêu hóa tốt hơn, quá trình tiêu hóa, hấp thu, đào thải cũng diễn ra nhanh hơn do thức ăn và chất cặn dễ dàng di chuyển trong đường ruột hơn. Đồng thời nước cũng làm phân trở nên mềm hơn và được đào thải ra ngoài một cách dễ dàng.
Ngoài ra, việc uống nhiều nước khi sử dụng kháng sinh còn có tác dụng giúp các hoạt chất trong kháng sinh được chuyển hóa nhanh hơn, từ đó mà các chất độc trong thuốc cũng được nhanh chóng đào thải ra ngoài, giảm các tác dụng phụ có thể gây ra cho cơ thể.
Vì vậy, cũng cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày là biện pháp rất quan trọng để khắc phục và hạn chế tình trạng táo bón xảy ra. Bạn nên uống khoảng 1,5 – 2l nước mỗi ngày, đặc biệt uống 1 cốc nước ấm sau khi thức dậy không chỉ chữa táo bón mà còn tăng cường hoạt động tốt của mọi cơ quan trong cơ thể.
Bổ sung chất xơ trong các bữa ăn
Ngoài việc uống đủ nước thì thực hiện một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý cũng là một cách chữa táo bón rất hiệu quả. Bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, bao gồm các loại như:
- Các loại rau xanh: rau mồng tơi, rau đay, rau dền, bông cải xanh…
- Một số loại trái cây tươi, giàu chất xơ và vitamin C như: cam, quýt, bưởi, chuối, thanh long…
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: đỗ xanh, đậu nành, lúa mì.
Sử dụng các loại thực phẩm này hàng ngày sẽ giúp tình trạng táo bón được cải thiện đáng kể. Do lượng chất xơ của các loại thực phẩm này khi vào cơ thể có thể kích thích quá trình tiêu hóa, thúc đẩy việc hình thành phân và giúp chúng di chuyển dễ dàng hơn trong đường ruột, từ đó mà được đào thải ra ngoài.
Tuy nhiên không nên bổ sung đột ngột một lượng lớn chất xơ vào trong cơ thể vì có thể khiến hệ tiêu hóa chưa kịp thích ứng, gây ra các rối loạn đường ruột khác như khiến chúng bị khó tiêu hoặc gây ra hiện tượng tiêu chảy. Nên bổ sung một cách từ từ tăng dần để chúng phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Tăng cường vận động
Ngoài việc chú ý chế độ ăn uống hàng ngày thì việc rèn luyện vận động thể dục thể thao cũng là một phương pháp rất có ích cho những người đang bị táo bón do sử dụng kháng sinh. Việc ngồi một chỗ quá lâu hoặc nằm quá nhiều chính là một trong những nguyên nhiên khiến tình trạng táo bón trở nên nặng hơn. Do đó, người bị táo bón nên tăng cường vận động, điều này sẽ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động được tốt hơn, nhất là các cơ ở phần đại trực tràng, từ đó tăng cường co bóp để tống phân ra ngoài, cải thiện tình trạng táo bón.
Bạn nên tăng cường vận động bằng cách tập luyện một vài môn thể thao như tập gym, đánh cầu lông, đi bộ hoặc chạy bộ hàng ngày. Vận động với mức độ phù hợp với sức khỏe, không nên vận động quá sức và kiên trì hoạt động mỗi ngày, vừa cải thiện được táo bón vừa là một biện pháp tốt để nâng cao sức khỏe của bản thân.
Một số lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong táo bón
Khi đang bị táo bón hoặc thấy xuất hiện tình trạng táo bón trong thời gian sử dụng kháng sinh, bạn cần lưu ý một số điểm sau để sử dụng kháng sinh được hiệu quả nhất:
- Nên hạn chế sử dụng kháng sinh kéo dài. Uống kháng sinh đủ liều theo chỉ định của bác sĩ, nếu thấy không có hiệu quả tốt thì nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị tiếp theo.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh. Kháng sinh có rất nhiều loại với những tác dụng, cơ chế và tác dụng không mong muốn khác nhau, do đó không nên tự ý lựa chọn loại kháng sinh để sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ.
- Khi sử dụng kháng sinh nên kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu chất xơ và vitamin C để giảm tác dụng phụ của thuốc.
- Sử dụng kháng sinh đủ liều lượng, không ngưng sử dụng giữa chừng.
Trẻ em uống kháng sinh bị táo bón có nguy hiểm không?
Trẻ em là một trong những đối tượng thường xuyên phải sử dụng kháng sinh do hệ miễn dịch còn yếu, dễ bị nhiễm các vi khuẩn gây hại. Ở trẻ em, hiện tượng táo bón khi sử dụng kháng sinh lại thường xảy ra hơn so với người lớn do hệ tiêu hóa của các em còn kém, sức đề kháng lại yếu nên dễ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Hiện tượng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé cảm thấy rất khó chịu và đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Để khắc phục tình trạng này của trẻ, các mẹ có thể tham khảo một số phương pháp như:
- Cân bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt là bổ sung thêm chất xơ vào khẩu phần ăn cho trẻ, do trẻ em thường không thích ăn rau nên mẹ càng phải quan tâm đến bữa ăn của bé. Cho trẻ uống nhiều nước và vận động, vui chơi hợp lí.
- Cho trẻ uống thêm men vi sinh trong thời gian sử dụng kháng sinh để bổ sung một lượng lớn lợi khuẩn đã bị kháng sinh tiêu diệt, từ đó giúp lấy lại được sự cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột. Tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.
- Tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
- Chỉ sử dụng kháng sinh cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Đối với trường hợp các bé mới chớm bị bệnh, mẹ có thể áp dụng thêm các phương pháp dân gian từ các loại thực phẩm thiên nhiên như quất hấp mật ong, mật ong chanh đào để cải thiện tình trạng của bé trước khi dùng thuốc tây.
Xem thêm: Bé uống sữa tươi bị táo bón và cách trị táo bón cho trẻ