Tiêu chảy không còn là bệnh lý đường tiêu hóa xa lạ gì đối với mỗi chúng ta. Ít nhất trong cuộc đời mỗi người đều đã từng bị tiêu chảy một lần. Mặc dù hết sức phổ biến nhưng không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ và chính xác về tình trạng này. Để hiểu rõ hơn về bệnh cũng như cách điều trị, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tiêu chảy là bệnh gì?
Tiêu chảy là bệnh lý đường tiêu hóa mà trong đó có sự tăng lên về số lần đi đại tiện trong ngày, phân chứa nhiều nước và số lượng tăng so với bình thường. Hậu quả là cơ thể mất nhiều nước và điện giải, biểu hiện đầu tiên có thể thấy rõ ràng nhất là mất nước ở da khiến da khô, giảm tính đàn hồi và dễ bị kích ứng. Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể làm giảm số lượng nước tiểu và số lần đi tiểu, làm tăng nhịp tim, giảm thể tích tuần hoàn, tụt huyết áp và về lâu dài có thể dẫn tới suy tuần hoàn. Đặc biệt đối với trẻ em, bệnh lý này ảnh hưởng rất xấu tới sự phát triển thể chất và trí tuệ do tiêu giảm làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột gây nên sự thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ gây suy dinh dưỡng.
Triệu chứng của bệnh tiêu chảy
Các triệu chứng cơ bản của bệnh tiêu chảy thường gặp có thể kể đến như:
- Đau bụng dữ dội, cần đi ngoài gấp.
- Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước, lượng phân nhiều hơn so với bình thường. Phân nhầy và có thể có lẫn máu.
- Bụng phình to, cảm thấy buồn nôn.
- Một số triệu chứng khác có thể gặp như: sốt, chuột rút ở bụng.
Những đối tượng nào dễ mắc bệnh tiêu chảy?
Một số đối tượng dễ mắc bệnh tiêu chảy có thể kể đến như:
- Những người bị sức đề kháng yếu và nhạy cảm như: trẻ em, người già và những người suy giảm miễn dịch do ở các đối tượng này, hệ miễn dịch yếu là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật và virus xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây nên tiêu chảy.
- Bẩm sinh ở một số người do tình trạng thiếu hụt di truyền một hay nhiều enzym tiêu hóa. VD: thiếu hụt bẩm sinh enzym tiêu hóa đường lactose có nhiều trong các sản phẩm sữa.
- Những người điều trị bằng các loại thuốc như: kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị loét dạ dày-tá tràng (thuốc kháng acid), thuốc điều trị bệnh Alzheimer, thuốc tẩy xổ.
- Những người sống ở khu vực có điều kiện vệ sinh không đảm bảo (nước bẩn, ô nhiễm, thực phẩm bẩn) hay đang lưu hành dịch (dịch kiết lỵ, tả, thương hà
Tiêu chảy thì đi nên khám bác sĩ khi nào?
Tùy vào từng đối tượng và tình trạng bệnh mà bạn phải cân nhắc có nên đi khám bác sĩ hay không.
Đối với người lớn, cần gặp ngay bác sĩ khi:
- Bạn bị tiêu chảy dài ngày và mãi không khỏi.
- Có tình trạng mất nhiều nước và điện giải, đau bụng dữ dội.
- Đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen có mùi thối khắm.
- Sốt cao (> 39 oC).
Đối với trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, cần gặp ngay bác sĩ khi:
- Sốt cao (> 39 oC)
- Đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen có mùi thối khắm.
- Có tình trạng mất nhiều nước và điện giải.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, trong đó các nguyên nhân phổ biến thường gặp như:
- Virus: Một số virus thường gây tiêu chảy hay gặp là: virus viêm gan (HBV, HCV, HBV-HDV), Norovirus (thường lây lan chủ yếu qua phân gây nên bệnh Norwalk), virus Rota (thường gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ em). Ngoài ra một virus được nhắc đến nhiều nhất năm 2020 – Coronavirus 2019 (COVID-19) cũng gây nên triệu chứng tiêu chảy.
- Vi khuẩn: một số vi khuẩn thường gây nên tình trạng tiêu chảy phổ biến như: vi khuẩn đường ruột E.coli (Escherichia Coli), Trực khuẩn Shigella (trực khuẩn lỵ), Trực khuẩn Salmonella (trực khuẩn thương hàn), Phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae, Clostridium difficile.
- Ký sinh trùng như: Amip kỵ khí Entamoeba histolytica, Trùng roi Giardia duodenalis (sống ở ruột và lây truyền chủ yếu qua phân), các loài thuộc chi Cryptosporidium, Cyclospora cayetanensis.
- Thuốc: Kháng sinh được xem như một thuốc phổ biến gây nên tình trạng tiêu chảy do kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn. Do đó sau khi sử dụng đặc biệt là sử dụng kéo dài thì các kháng sinh không chỉ diệt các vi khuẩn gây bệnh mà còn tiêu diệt cả vi khuẩn chí – các vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột. Chính vì vậy mà có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, một số thuốc khác có thể gây tiêu chảy như: thuốc kháng acid dạ dày, thuốc điều trị ung thư, thuốc nhuận tràng, tẩy xổ (nếu dùng liều cao), Các thuốc ức chế men acetylcholinesterase dùng trong điều trị bệnh Alzheimer.
- Thiếu men lactase: Lactase là men chủ yếu tham gia quá trình tiêu hóa đường lactose – đường có mặt trong sữa và các sản phẩm chứa sữa. Chính vì thiếu hụt men lactase nên khi lactose hay sữa đi vào cơ thể không thể được dung nạp gây nên tiêu chảy. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ em bẩm sinh thiếu hụt lactase hay sau một chấn thương mắc phải.
- Fructose: Tương tự như lactose kể trên, ở một số người khó tiêu hóa đường này cũng gây nên tiêu chảy. Fructose có nhiều trong các loại trái cây có vị ngọt khay như các loại trái cây chín (xoài, chuối, dứa) và trong mật ong.
- Độc chất: Một số độc chất sau khi vào hoặc thải bằng đường tiêu hóa gây dị ứng và tổn thương tế bào niêm mạc ruột gây nên tiêu chảy.
- Một số nguyên nhân khác như: Sorbitol và mannitol (chất tạo vị ngọt nhân tạo thường gặp trong các sản phẩm không đường và kẹo cao su), hậu phẫu thuật ở ổ bụng hay túi mật, các rối loạn tiêu hóa (bệnh Crohn, viêm celiac, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột thừa, bệnh đại tràng như: viêm loét đại tràng, viêm đại tràng vi thể).
Một số biến chứng nguy hiểm
Như đã đề cập ở trên, tiêu chảy đặc biệt là là tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nhiều nước và điện giải gây nên tình trạng mất nước đẳng trương. Nếu không được điều trị kịp thời có thể tạo nên vòng xoắn bệnh lý hết sức nguy hiểm nhất là ở những người có hệ miễn dịch yếu và nhạy cảm như: trẻ em, người già, những người suy giảm miễn dịch, những người nằm lâu ngày.
Khi có những dấu hiệu mất nước sau, cần tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời chữa trị:
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Biểu hiện thiếu nước như: miệng và lưỡi khô, trẻ khóc nhưng không thấy có nước mắt.
- Sốt cao (>39oC).
- Trẻ sơ sinh không bị ướt tã (>=3h).
- Trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc hoặc buồn ngủ, không phản ứng.
- Thấy ở bụng, má hay dưới mắt có xuất hiện tình trạng trũng.
Ở người lớn
- Biểu hiện thiếu nước như: khát nước, da và miệng khô.
- Thiểu niệu hay vô niệu, nước tiểu sẫm màu.
- Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, yếu do mất nước gây giảm thể tích tuần hoàn.
- Nếu không sớm phát hiện và xử lý kịp thời, tiêu chảy cấp có thể gây nên trụy tim mạch và nhiễm độc thần kinh còn tiêu chảy mạn gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, còi xương, chậm phát triển trí tuệ đặc biệt là ở trẻ em.
Phương pháp chẩn đoán
Khi tới các cơ sở y tế và bệnh viện để được thăm khám, ngoài việc các bác sĩ sẽ hỏi bạn một số thông tin liên quan đến tiền sử bệnh, các thuốc bạn đang sử dụng, bạn có thể được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm sau để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh:
Xét nghiệm máu
Việc xét nghiệm công thức máu của bạn đặc biệt là các công thức bạch cầu sẽ giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tiêu chảy. VD như nếu số bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao chứng tỏ bạn đang bị nhiễm khuẩn cấp tính, nguyên nhân gây tiêu chảy là do vi khuẩn gây nên.
Xét nghiệm phân
Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thì chúng sẽ xuất hiện trong phân của bạn, chính vì vậy việc xét nghiệm phân (soi phân hay cấy phân) sẽ giúp các bác sĩ có thể biết nguyên nhân tiêu chảy có phải do chúng không.
Nội soi
Bác sĩ sẽ cho bạn được nội soi đại tràng sigma hoặc ống soi mềm. Kĩ thuật được thực hiện như sau: Bác sĩ sẽ đưa vào trực tràng của bạn một ống mỏng, nhờ đó bác sĩ có thể quan sát bên trong ruột của bạn đồng thời có thể lấy được mẫu mô nhỏ từ ruột để tiến hành sinh thiết. Nhờ vậy mà các bác sĩ có thể chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị tiêu chảy
Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bạn có thể sử dụng các phương pháp khác nhau trong điều trị tiêu chảy như
Bằng thuốc tây
Thuốc tây được xem là một trong những cách phổ biến nhất được sử dụng nếu bạn bị tiêu chảy do tác dụng nhanh, dễ sử dụng.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cho bạn một số loại thuốc hay được sử dụng khi bị tiêu chảy:
- Các loại kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây tiêu chảy là do vi khuẩn hay các loại ký sinh trùng thì bạn cần dùng ngay kháng sinh để loại bỏ chúng. Tuy nhiên nếu nguyên nhân là do virus thì kháng sinh không có tác dụng đồng thời tránh sử dụng kéo dài có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng và không thuyên giảm do có thể diệt luôn cả vi khuẩn có lợi ở đường ruột.
Ngoài ra đối với người lớn có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn như: bismuth subsalicylate, loperamide (có 2 dạng bào chế là dạng lỏng và viên nén) hay berberin.
- Khi bị tiêu chảy, bạn sẽ bị mất một lượng lớn nước và điện giải do đó cần bổ sung bằng các dung dịch như: Oresol, Hydrite để tránh gây nên các biến chứng và vòng xoắn bệnh lý gây khó khăn trong điều trị. Nên sử dụng sau khi đi ngoài phân lỏng và sau khi khỏi bệnh.
Đông Y
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cho bạn một số bài thuốc Đông y thường được sử dụng trong điều trị tiêu chảy:
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: 50g cát căn, 12g cam thảo dây, 20g mã đề thảo.
- Cách tiến hành: Các dược liệu trên cho vào ấm sắc cùng khoảng 500ml nước tới khi nước còn khoảng một nửa thì tắt bếp. Chia thành nhiều phần và uống trong ngày: người lớn 2 lần/ngày, trẻ em 3-4 lần/ngày.
Bài thuốc 2
- Nguyên liệu: 12g mỗi loại: cát căn, kim ngân hoa, rau má (đã sao).
- 10g mỗi loại: mã đề, cam thảo dây, hoàng liên.
- Cách tiến hành: Các dược liệu trên cho vào ấm sắc cùng khoảng 0.5l nước tới khi nước còn khoảng một nửa thì tắt bếp. Chia làm 2-3 phần và sử dụng trong ngày.
Bài thuốc 3
- Nguyên liệu: 200g mỗi loại: rau má, lá mơ; 50g mỗi loại: búp ổi, cát căn; 60g mã đề thảo; 40g bạch biển đậu.
- Cách tiến hành:
Rau má, lá mơ, mã đề tươi: giã nhỏ rồi ép lấy nước sau đó sấy khi để lấy bột.
Bạch biển đậu, cát căn: đem đi sao vàng rồi tán thành bột mịn. Tương tự, búp ổi cũng mang đi sao qua rồi sấy và tán thành bột mịn.
Trộn các bột trên với nhau rồi cho vào lọ kín, bảo quản nơi khô ráo. Khi bị tiêu chảy, mang ra pha với nước sôi để nguội vừa đủ với liều lượng như sau:
Người lớn: 2 thìa cà phê.
Trẻ em: 1 thìa cà phê.
Điều trị tại nhà
- Bổ sung nước và điện giải: Những người bị tiêu chảy bị mất một lượng lớn nước và điện giải, chính vì vậy cần nhanh chóng bổ sung bằng cách dùng dung dịch Oresol, pha nước muối đường để uống hay dùng các loại soda không chứa caffein (do cafein làm cho tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn), nước luộc gà (không có mỡ), trà pha với mật ong, nước ép trái cây (nước ép táo, nước ép mận).
- Bổ sung một cách thường xuyên trong ngày đặc biệt là sau khi đi tiêu.
- Dùng sữa chua: Một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy là do sử dụng kháng sinh kéo dài gây hại cho hệ vi khuẩn chí của đường ruột dẫn đến sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây tiêu chảy. Chính vì vậy việc sử dụng sữa chua sẽ giúp cung cấp thêm các vi khuẩn có lợi để lập lại cân bằng. Ngoài ra sữa chua có chứa acid lactic giúp góp phần tiêu diệt một số vi khuẩn có hại gây tiêu chảy trong đường tiêu hóa.
- Nghỉ ngơi hợp lý trên giường và giữ ấm bụng: Việc bụng bị lạnh sẽ gây co thắt khiến cho tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn do đó cần giữ ấm bụng khi bị tiêu chảy, tránh để bụng bị lạnh đột ngột.
Phương pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Một số phương pháp phòng ngừa tiêu chảy bạn có thể sử dụng như:
- Ngăn chặn sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây tiêu chảy vào cơ thể như: ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn bằng xà phòng hay nước rửa tay diệt khuẩn, rửa tay thường xuyên (trước và sau khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, sau khi ho, hắt xì hơi), đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Tiêm vaccine: Rotavirus được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy ở trẻ em. Chính vì vậy việc tiêm phòng vaccine sẽ tạo cho con bạn sức đề kháng với virus này từ đó tránh bị tiêu chảy.
- Không đi du lịch tới các vùng đang có tình trạng tiêu chảy trên diện rộng.
- Không lạm dụng kháng sinh vì nó có thể diệt hệ vi khuẩn chí đường ruột gây tiêu chảy.
- Thường xuyên ăn hoặc uống nhiều sữa chua góp phần bổ sung hệ vi khuẩn chí cho cơ thể.
Khi bị tiêu chảy nên làm gì để dịu dạ dày?
Khi bị tiêu chảy, bạn sẽ cảm thấy dạ dày hết sức khó chịu. Vì vậy để làm dịu dạ dày, bạn có thể dùng một số cách như sau:
- Ăn các thực phẩm giàu tinh bột như: cơm, khoai tây, cà rốt, bánh mì. Bởi vì các loại này thường dễ tiêu hóa và có hàm lượng chất xơ thấp nên không gây quá nhiều áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Ăn nhiều các loại hoa quả hoặc uống nước ép: táo, chuối, hồng xiêm.
- Sử dụng các loại sữa chua: Việc này vừa có tác dụng làm dịu dạ dày vừa giúp cho tình trạng tiêu chảy nhanh khỏi.
- Uống một số các loại trà như: trà hoa cúc, trà từ vỏ cam (nên dùng kèm cùng mật ong).
- Không dùng các sản phẩm khó tiêu hóa như: chất béo, thức ăn giàu protid như thịt bò, hải sản và các loại giàu chất xơ do chúng khiến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Một số lưu ý khi bị tiêu chảy
Khi đang bị tiêu chảy, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, café do chúng làm cho tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
- Dùng các men vi sinh: Việc sử dụng men vi sinh giúp cung cấp các loại vi khuẩn tốt cho đường ruột từ đó giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa mặc dù chưa xác định được chính xác việc sử dụng men vi sinh có giúp rút ngắn thời gian bị tiêu chảy hay không. Một số men vi sinh bạn có thể cân nhắc sử dụng như: Probiotics, Biogaia, Euflora.
- Việc đi ngoài quá nhiều khi bị tiêu chảy khiến cho bạn cảm thấy đau, ngứa, rát ở khu vực hậu môn, nhất là sau khi đi vệ sinh. Vì vậy có thể rửa hậu môn bằng nước ấm rồi lau khô bằng khăn sạch, sau đó có thể bôi lên đó kem mỡ bôi trơn hoặc kem bôi trĩ để giảm đau.
- Uống nhiều nước, nước trái cây, tránh dùng các thực phẩm khiến tình trạng tiêu chảy ngày một nghiêm trọng như: chất béo, chất xơ, thực phẩm giàu đạm.
- Khi tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng và có thể gây biến chứng và hình thành vòng xoắn bệnh lý, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế và bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Trên đây là một số thông tin về tiêu chảy cũng như các cách điều trị, phòng ngừa bệnh. Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ có hiểu biết chính xác và đầy đủ hơn về bệnh này cũng như nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này.