Tổng hợp những thuốc trị táo bón cho trẻ em hiệu quả và an toàn nhất

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ

Táo bón khá phổ biến ở trẻ em. Hơn 1/3 số trẻ mắc táo bón cần được quan tâm. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ có thể là:

  • Nguyên nhân thuộc về dinh dưỡng: trẻ được ăn uống theo chế độ không phù hợp, trẻ có xu hướng ít hoặc không ăn rau củ quả, trẻ uống ít nước và hoạt động nhiều nên dẫn đến cơ thể thiếu nước. Từ đó làm cho trẻ khó đi đại tiện.
  • Nguyên nhân về sinh hoạt: một số trẻ có xu hướng nhịn đi đại tiện khi cơ thể đã có kích thích đại tiện, một số trẻ có thói quen đi đại tiện tại nhà, không thể đi đại tiện ở nơi lạ, nơi không sạch sẽ, hoặc do trẻ mải chơi. Điều này làm lỡ lần đại tiện và khiến cho phân khô lại, tăng kích thước và giảm cảm giác mót rặn – khó đi đại tiện hơn.
  • Thay đổi thói quen, hoạt động: do chuyển nhà, do 1 chuyến đi xa, do 1 điều trẻ thích thú, do thay đổi loại sữa, thay đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức hay giữa các loại sữa công thức khác nhau,… có thể gây ra táo bón.
  • Nguyên nhân thuộc về vận động: trẻ ưa thích các loại hình giải trí tĩnh như sử dụng trò chơi điện tử, xem ti vi, sử dụng điện thoại,… và ít hoạt động thể lực có thể dẫn đến táo bón
  • Nguyên nhân thuộc về gia đình: táo bón có thể bắt nguồn từ vấn đề di truyền, từ chế độ ăn uống sinh hoạt chung của gia đình. Trong gia đình nếu có người thường xuyên bị táo bón, trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc táo bón.
  • Nguyên nhân bên ngoài: do trẻ sử dụng thuốc có chứa thành phần có khả năng gây ra táo bón như một số loại thuốc ho chứa Codein, thuốc chống dị ứng,…
  • Nguyên nhân thuộc về bệnh lí: nguyên nhân này rất ít gặp. Một số bệnh lí có thể dẫn đến táo bón ở trẻ như bệnh lí về thần kinh,…

Cách nhận biết táo bón ở trẻ em

Cách nhận biết táo bón ở trẻ em
Cách nhận biết táo bón ở trẻ em

Táo bón có thể diễn ra đột ngột sau một chế độ ăn uống không hợp lí, hoặc có thể diễn biến từ từ và táo bón liên tục không cải thiện khi đã điều chỉnh chế độ ăn ngủ sinh hoạt. Theo NICE -2010, táo bón nói chung có thể được xác định khi có ít nhất 2 trong số các tiêu chí dưới đây:

  • Số lần đi đại tiện: ít hơn 3 lần trong 1 tuần
  • Hình dạng phân: phân thường cứng, to hoặc tròn như phân dê, có thể gây tắc toilet
  • Mệt mỏi, căng thẳng khi đại tiện, đại tiện không thường xuyên
  • Có thể kèm theo chảy máu hậu môn do nứt kẽ hậu môn nếu phân quá lớn và cứng rắn
  • Rặn nhiều khi đại tiện
  • Đôi khi nín giữ và tránh đại tiện do sợ hãi khi đi đại tiện
  • Đã từng bị táo bón hay nứt kẽ hậu môn, đau và chảy máu khi đi đại tiện trước đó

Ngoài ra, một số các dấu hiệu góp phần làm tăng khả năng nhận biết táo bón ở trẻ như:

  • Trẻ chán ăn, đầy trướng bụng, sợ ăn, sút cân.
  • Trẻ sợ đi đại tiện và không có cảm giác muốn đi đại tiện.
  • Cảm giác đi không hết phân sau khi đại tiện xong.
  • Phân có mùi khó chịu.

Tổng hợp các thuốc trị táo bón cho trẻ

Thuốc trị táo bón Rectiofar

Thuốc trị táo bón Rectiofar
Hình ảnh: Thuốc trị táo bón Rectiofar

Rectiofar là thuốc dạng dung dịch bơm trực tiếp vào trực tràng với thành phần chính là Glycerin – tác dụng hút nước và nhuận tràng.

Chỉ định:

Điều trị các thể táo bón ở trẻ em và các thể táo bón nhẹ ở người lớn.

Cách dùng:

  • Với dạng dung dịch bơm, thuốc được sử dụng tương đối dễ dàng. Sử dụng thuốc Rectiofar vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nên dùng vào lúc trẻ có cảm giác buồn đi đại tiện.
  • Khi sử dụng, để cho trẻ nằm ở tư thế nghiêng người, mông kê cao hơn phần than trên, chân phía dưới duỗi thẳng, chân phía trên co lên vuông góc với bụng, thân trên hơi gập lại.
  • Dùng 2 ngón tay của cùng 1 bàn tay tách 2 múi mông của trẻ để bộc lộ phần hậu môn.
  • Mở nắp nhỏ ở đầu ống Rectiofar, đưa phần ống nhỏ vào từ từ và sâu bên trong hậu môn của trẻ. Khi đưa đầu ống thuốc vào hậu môn cần phải thực hiện nhẹ nhàng và đưa dọc theo chiều trực tràng – hậu môn để tránh làm tổn thương bé. Khi đưa sâu vào khoảng 3 – 4 cm thì ngừng lại.
  • Sử dụng lực ở tay bóp ống thuốc để thuốc trong ống được đưa hết vào trực tràng.
  • Rút nhẹ nhàng và từ từ đầu ống thuốc ra khỏi hậu môn, vứt đúng quy định. Giữ cho bé ở nguyên tư thế đó khoảng 3 phút đến 5 phút. Đồng thời có thể nhắc trẻ co hậu môn lại để ngăn thuốc chảy ra ngoài.
  • Khi trẻ có phản ứng muốn đi vệ sinh, để cho trẻ đi vệ sinh 1 cách thoải mái và riêng tư.
  • Sau khi đi vệ sinh, cần vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ bằng nước ấm, điều này giúp cho hậu môn giảm cảm giác đau rát và tránh viêm nhiễm.

Liều dùng:

  • Đối với trẻ em dưới 6 tuổi: sử dụng loại ống dành cho trẻ em (ống 3 ml). Sử dụng 1 ống mỗi lần, 1 đến 2 lần mỗi ngày.
  • Đối với trẻ em trên 6 tuổi: sử dụng loại ống dành cho người lớn (ống 3 ml). Sử dụng 1 ống mỗi lần, 1 đến 2 lần mỗi ngày.

Lưu ý:

  • Nên đọc kĩ hướng dẫn về cách dùng trước khi sử dụng để lượng thuốc đưa vào trong trực tràng là nhiều nhất.
  • Không nên sử dụng thuốc trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy, hoặc rò hậu môn.
  • Không nên sử dụng thường xuyên vì ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đường tiêu hóa.  Thuốc này chỉ nên sử dụng để khắc phục tình trạng táo bón tạm thời.
  • Cần kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ cho phù hợp để khắc phục táo bón.

Giá thuốc:

Hiện nay thuốc được bán với mức giá 100.000đ 1 hộp 50 túi x ống 3 ml và 120.000đ 1 hộp 40 túi x ống 3 ml.

Review:

Chị Nga Nguyễn 27 tuổi chia sẻ: “bé nhà mình tiêu hóa khá tốt, nhưng dạo gần đây mình phải thay sữa cho bé. Bé nhà mình liên tục bị táo bón khiến mình rất lo lắng. Mình đã tìm hiểu và sử dụng thuốc Rectiofar cho bé. Lúc dùng cũng thấy khá dễ vì bé nhà mình mới 3 tuổi, chỉ dùng theo đường hậu môn là dễ nhất. Sau khoảng vài phút bơm thuốc là bé đi đại tiện. Sau khi sử dụng mình thấy bé rất ổn và không có vấn đề gì về tiêu hóa. Đặc biệt là mình rất yên tâm vì bé đã dễ chịu hơn rất nhiều.”

Thuốc trị táo bón Sorbitol

Thuốc trị táo bón Sorbitol
Hình ảnh: Thuốc trị táo bón Sorbitol

Thuốc có chứa thành phần chính là Sorbitol – có tác dụng nhuận tràng theo kiểu thẩm thấu.

Chỉ định:

  • Người có triệu chứng đầy bụng, chán ăn, khó tiêu.
  • Người bị táo bón.

Cách dùng:

Thuốc trị táo bón Sorbitol có 2 dạng là dạng gói bột uống hoặc dạng thuốc đặt trực tràng.

Đối với dạng bột uống: pha 1 gói trong nửa cốc nước, sử dụng ngay sau khi pha và trước bữa ăn khoảng 10 phút.

Đối với dạng đặt trực tràng:

  • Để bé ở tư thế nằm nghiêng.
  • Sử dụng 2 ngón tay của cùng 1 tay tách 2 múi mông trẻ bộc lộ phần hậu môn.
  • Lấy viên thuốc ra khỏi vỏ, dùng tay đưa nhẹ nhàng viên thuốc vào hậu môn với đầu nhỏ đi vào trước. Đẩy viên thuốc vào sâu bên trong hậu môn rồi dùng tay khép 2 múi mông của trẻ lại khoảng vài phút để thuốc không chảy ra ngoài.
  • Sau khoảng vài phút sử dụng thuốc (đối với dạng đặt) hoặc khoảng 20 phút sau khi sử dụng thuốc (đối với dạng uống), trẻ sẽ có cảm giác mót rặn và muốn đi đại tiện.

Liều dùng:

Đối với trẻ em: sử dụng nửa gói bột pha với ¼ cốc nước vào buổi sáng khi đói (đối với dạng uống ) hoặc 1 viên đặt (đối với dạng đặt).

Lưu ý:

  • Chỉ sử dụng khi thật cần thiết và không đáp ứng với các phương pháp khác như thay đổi chế độ ăn.
  • Chỉ sử dụng liều đơn. Sau khi đã đi đại tiện được thì không nên sử dụng tiếp tục.
  • Kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để điều trị táo bón triệt để.
  • Cần ngưng thuốc nếu như trẻ bị tiêu chảy hoặc đầy trướng bụng, khó tiêu sau khi dùng thuốc.
  • Nên bổ sung nước khi sử dụng thuốc vì thuốc có thể gây ra mất nước qua đường tiêu hóa.

Giá thuốc:

Hiện nay thuốc được bán với giá khoảng 15.000đ cho hộp 25 gói x 5g

Review:

Chị Hằng Phạm chia sẻ: “cháu nhà mình thường xuyên táo bón, em đã phải dùng đến thuốc này vài lần rồi. Thuốc trị táo bón khá nhạy. Nhưng chỉ nên dùng ít thôi. Dùng nhiều trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa. Thuốc này có 2 loại, bé lớn rồi thì dùng loại uống là tốt nhất, bé nhà mình còn nhỏ chưa biết uống thuốc nên mình dùng loại đặt cho bé.”

Thuốc trị táo bón Santafe

Thuốc trị táo bón Santafe
Hình ảnh: Thuốc trị táo bón Santafe

Thuốc có chứa thành phần chính là Inulin – dạng chất xơ tự nhiên kết hợp với các lợi khuẩn đường ruột. Do đó thuốc được cho là an toàn cho trẻ, không chỉ giảm thiểu tình trạng táo bón, thuốc còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột cho trẻ.

Chỉ định:

  • Thuốc được sử dụng để hỗ trợ điều trị táo bón cho mọi đối tượng.
  • Thuốc được sử dụng để lập lại cân bằng vi sinh đường ruột cho những người thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.

Cách dùng:

Thuốc được bào chế dưới dạng cốm, nên được sử dụng bằng cách: pha với lượng nước phù hợp như khuyến cáo trong tờ hướng dẫn sử dụng, rồi uống trực tiếp. Không nhai nghiền trong quá trình uống thuốc.

Liều dùng:

Đối với trẻ em: uống 2 lần mỗi ngày. Mỗi lần uống ½ gói đến 1 gói.

Giá thuốc:

Hiện nay thuốc Santafe được bán với giá 263.000đ 1 hộp gồm 20 gói.

Lưu ý:

  • Do thuốc có chứa các thành phần là lợi khuẩn nên trong quá trình sử dụng không được nhai nghiền để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
  • Nên kết hợp sử dụng thuốc với chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí, tăng cường vận động để phòng tránh táo bón.

Review:

Chị Bích Đỗ chia sẻ: “thuốc này dùng tốt lắm nha các mẹ. Mình cho bé nhà mình dùng từ năm 3 tuổi, đến nay bé 5 tuổi. Từ lúc dùng thuốc này bé tiêu hóa tốt, giảm hẳn táo bón. Mình cho bé dùng thường xuyên luôn. Nhưng giá hơi cao nên các mẹ cân nhắc nha.”

Thuốc trị táo bón Natufib

Thuốc trị táo bón Natufib
Hình ảnh: Thuốc trị táo bón Natufib

Đây là loại thuốc trị táo bón đặc biệt. Thuốc có chứa lượng lớn chất xơ hòa tan đặc biệt an toàn cho những đối tượng nhạy cảm như phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.

Chỉ định:

  • Điều trị táo bón cho mọi đối tượng.
  • Trẻ em có rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột, kém hấp thu.

Cách dùng:

Với dạng cốm, thuốc được sử dụng bằng cách pha với 20 ml nước sôi để nguội, cháo hoặc sữa, khuấy tan vừa đủ rồi dùng ngay.

Liều dùng:

  • Đối với trẻ em từ 2 tuổi đến 3 tuổi: uống 2 gói mỗi ngày chia 2 lần
  • Đối với trẻ em từ 4 tuổi đến 6 tuổi: uống 3 gói mỗi ngày chia 3 lần
  • Đối với trẻ em từ 7 tuổi đến 12 tuổi: uống 4 gói mỗi ngày chia 2 lần
  • Đối với trẻ em trên 12 tuổi: uống 4 -6 gói mỗi ngày chia 2 – 3 lần

Giá thuốc:

Hiện nay thuốc Natufib đang được bán với giá khoảng 55.000đ 1 hộp 20 gói x 3g.

Lưu ý:

  • Thuốc chứa chất xơ hòa tan, có tác dụng hỗ trợ điều trị táo bón nhưng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
  • Thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Nếu táo bón tiếp diễn và không có xu hướng thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc kết hợp chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí để phòng ngừa táo bón.

Review:

Chị Lê Hường 24 tuổi chia sẻ: “con mình thi thoảng bị táo bón. Nghe mấy chị cùng phòng mách sử dụng thuốc này, em thử cho con dùng. Thuốc rất ổn nha, dùng xong bé không khó chịu bụng nữa, ăn uống tốt, ít bị táo bón hơn. Mẹ nào có con hay bị táo bón thì dùng thuốc này nhé.”

Thuốc trị táo bón Forlax

Thuốc trị táo bón Forlax
Hình ảnh: Thuốc trị táo bón Forlax

Thuốc Forlax có chứa thành phần là Macrogol 400 – đây là chất có phân tử lượng lớn. Đặc tính của chất này là khả năng hút nước và trương nở mạch, hóa gel giúp mềm phân, tăng kích thước phân.

Chỉ định:

Điều trị chứng táo bón cho trẻ em trên 8 tuổi.

Cách dùng:

Thuốc được chế dưới dạng bột nên được dùng bằng cách cách pha loãng với lượng nước vừa đủ. Dùng ngay sau khi pha.  Nên sử dụng thuốc vào buổi sáng.

Liều dùng:

Đối với trẻ em trên 8 tuổi: dùng 1 đến 2 gói mỗi ngày chia 1 đến 2 lần.

Giá thuốc:

Hiện nay thuốc được bán với mức giá dao động từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng một hộp 20 gói bột.

Lưu ý:

  • Không nên lạm dụng thuốc này vì có thể gây hại cho sức khỏe đường ruột, rối loạn hoạt động tiêu hóa, làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ.
  • Khi sử dụng, thuốc có thể gây ra cảm giác đau bụng nhẹ.
  • Nên bổ sung đủ nước khi trẻ sử dụng thuốc này.

Review:

Chị Hà Phương cho biết: “ bé nhà mình năm nay 9 tuổi, bé thường xuyên bị táo bón, đi khám thì bé nhà mình được bác sĩ kê cho thuốc Forlax. Mình cho bé dùng theo đúng như hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc tác dụng nhanh, nhạy. Nhưng hết táo bón phải ngừng thuốc ngay. Áp dụng theo đúng lời bác sĩ dặn nên giờ bé nhà mình đỡ lo táo bón nữa rồi.”

Lưu ý khi sử dụng thuốc trị táo bón cho trẻ em

  • Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, vậy nên khi lựa chọn bất cứ loại thuốc gì cho trẻ cần phải cân nhắc kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe để đảm bảo sử dụng an toàn cho trẻ.
  • Các thuốc điều trị táo bón thường là các thuốc điều trị triệu chứng, không giúp giảm nguy cơ mắc táo bón trong lần kế tiếp. Vậy nên cần phải sử dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống hợp lí.
  • Khuyến khích trẻ đi đại tiện ngay mỗi khi có dấu hiệu buồn đi đại tiện.
  • Thường xuyên bổ sung chất xơ trong bữa ăn, khuyến khích trẻ em ăn nhiều chất xơ. Có thể phối hợp chất xơ vào cháo hoặc bột nếu như trẻ không chịu ăn.
  • Cho trẻ uống đủ nước: vì trẻ là đối tượng chưa có ý thức về sự cần thiết của việc bổ sung đủ nước cho cơ thể. Do đó bố mẹ cần phải lưu ý và chủ động đưa nước để trẻ uống đủ.

    Cho trẻ uống đủ nước
    Cho trẻ uống đủ nước
  • Không nên lạm dụng các thuốc điều trị táo bón cho trẻ. Càng sử dụng nhiều, đường tiêu hóa của trẻ sẽ càng bị ảnh hưởng, khi trẻ lớn sẽ dễ bị táo bón hơn.
  • Nên sử dụng thuốc trị táo bón theo đúng hướng dẫn. Trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường như đầy trướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy sau khi sử dụng thuốc cần phải ngừng thuốc ngay và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Trẻ em có nên sử dụng thuốc điều trị táo bón thường xuyên không?

Trẻ em không nên sử dụng thuốc điều trị táo bón thường xuyên. Bởi đặc tính của các thuốc này là tạo điều kiện thuận lợi cho phân được mềm, tăng khối lượng và kích thước phân, kích thích hệ thống thần kinh tại ruột tạo cảm giác mót rặn cho trẻ. Như vậy thuốc điều trị táo bón gián tiếp ảnh hưởng đến chức năng đường ruột như ruột sẽ tăng hấp thu nước để thích ứng với sự có mặt thường xuyên của thuốc điều trị táo bón. Vì vậy việc sử dụng thường xuyên các thuốc này sẽ làm xáo trộn hoạt động bình thường của đường ruột, tăng nguy cơ táo bón và đòi hỏi phải sử dụng các thuốc này thường xuyên với liều tăng dần để tránh táo bón.

Đường ruột của trẻ chưa thực sự phát triển, do đó việc sử dụng những loại thuốc trị táo bón trên có thể gây ảnh hưởng đên sự phát triển bình thường của đường ruột.

Như vậy với những bất lợi trên, chỉ nên coi thuốc trị táo bón ở trẻ là phương pháp cứu trợ, là lựa chọn thứ 2 khi các lựa chọn an toàn khác như uống nhiều nước, ăn uống hợp lí,… không làm hết được táo bón.

Xem thêm: Bé uống sữa tươi bị táo bón và cách trị táo bón cho trẻ

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa