[Chia sẻ] Sử dụng Đông Y trị táo bón từ các bài thuốc đã được kiểm định

Biến chứng của bệnh táo bón theo Dược cổ truyền

Biến chứng của bệnh táo bón theo Dược cổ truyền
Biến chứng của bệnh táo bón theo Dược cổ truyền

Táo bón là nỗi lo sợ của những người có chế độ ăn uống không khoa học và ổn định. Họ thường xuyên mắc phải chứng táo bón. Khi mắc táo bón thường xuyên, liên tục trong thời gian dài, táo bón có thể gây ra những biến chứng sau:

Đầy trướng khí, khí trệ

  • Bụng đầy trướng, khó tiêu
  • Trĩ nội: đây là biến chứng của táo bón và cũng là căn bệnh chiếm tỉ lệ cao ở người dân Việt Nam. Nếu như những biến chứng trên chỉ để lại hậu quả tạm thời, có thể thuyên giảm theo thời gian, thì trĩ nội là nỗi ám ảnh của người bệnh, đặc biệt là mỗi lần đi đại tiện. Trĩ nội thực chất là do búi tĩnh mạch trực tràng quá giãn tạo thành búi trĩ nội. Trĩ nội gây đau rát thường xuyên, bệnh nhân khó ngồi, khó đứng, khó vận động, cảm giác ngứa ngáy và đau rát vùng hậu môn. Khi đại tiện đôi khi còn chảy máu tươi.
  • Trĩ ngoại: tương tự như trĩ nội, trĩ ngoại thực chất là sự giãn búi tĩnh mạch nhưng ở bên ngoài trực tràng. Nhưng so với trĩ nội, trĩ ngoại ít gây khó chịu cho người bệnh hơn.

Huyết nhiệt, tân dịch suy giảm

  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi: thực chất đây là máu xuất phát từ mao mạch trực tràng. Khối phân lớn khi đi qua vùng tiếp giáp giữa trực tràng và hậu môn kết hợp với sức co bóp của cơ trực tràng do rặn mạnh, các mao mạch tại đây bị chèn ép và bị vỡ. Đồng thời khối phân rắn cũng ma sát làm tổn thương niêm mạc, tổn thương thành mao mạch. Khi đó bệnh nhân sẽ đi ngoài ra máu tươi. Tình trạng ra máu này sẽ tự giảm dần và hết khi bạn kết thúc đại tiện.
  • Nứt kẽ hậu môn: đây là biến chứng rất thường gặp ở những người thường xuyên mắc táo bón. Hiện tượng này là do kích thước khối phân lớn đồng thời khối phân rắn chắc không thay đổi hình dạng khi đi qua hậu môn, cơ hậu môn đàn hôi kém hoặc đã giãn quá mức có thể. Điều này làm cho hậu môn bị nứt theo lực rặn đẩy khối phân từ trực tràng ra ngoài.
  • Viêm ống trực tràng – hậu môn, áp xe hậu môn: khối phân làm tổn thương lớp niêm mạc giữa hậu môn và trực tràng đồng thời mang theo những chất thải, chất cặn bã, kí sinh trùng, vi khuẩn,… gây nhiễm bẩn tổn thương. Khi đó sẽ gây ra viêm nhiễm tại chỗ, ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Nặng hơn thì gây ra áp xe tại chỗ.

Âm hư, khí huyết hư

  • Cơ thể thường xuyên háo khát, mệt mỏi.
  • Tắc ruột do u phân

Táo bón kéo dài làm cho khối phân bị mắc kẹt trong ruột. Quá trình nạp thức ăn, tiêu hóa và hấp thu, thải cặn bã vẫn tiếp diễn làm cho khối phân được bồi đắp thêm chất thải, ngày càng tăng lên về khối lượng và kích thước, càng khó đi qua hậu môn. Hậu quả là đường tiêu hóa bị bít tắc và cần phải có sự can thiệp của y khoa để giải quyết tình trạng này.

Suy kiệt, nhiễm độc mạn tính

  • Tình trạng phân ứ tích lâu ngày trong ruột tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh, chất độc và vi khuẩn không theo phân đi ra ngoài, do đó các chất độc này sẽ bị ứ tích trong cơ thể, ảnh hưởng xấu tới các tạng mà đặc biệt là tạng gan.
  • Phân ứ tích làm giảm diện tích sử dụng tại ruột, lâu ngày gây suy giảm chức năng tiêu hóa của đường ruột. Đồng thời khối phân lớn liên tục kích thích và mạng lưới thần kinh ở ruột làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, cáu gắt, không thể tập trung, lâu ngày gây ra suy kiệt và nhiễm độc mạn tính cho cơ thể.

Tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng – hậu môn

Khối phân nằm lâu trong đường ruột có chứa rất nhiều các chất gây oxy hóa từ các chất thải, chất cặn bã. Chúng sẽ tấn công vào tế bào niêm mạc ruột, làm hại, làm hư hỏng và làm biến đổi tế bào. Mặt khác bản chất khối phân khi táo bón sẽ trở nên cứng rắn, trái lại lớp niêm mạc ruột lại mềm mỏng dễ bị tổn thương. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho tổn thương niêm mạc ruột đặc biệt vùng trực tràng – hậu môn phát triển, vi khuẩn và kí sinh trùng dễ xâm nhiễm, gây tổn thương nặng. Các tế bào tại những ổ tổn thương này bị biến đổi, tăng sinh mất kiểm soát, gây áp xe và gây ung thư.

Bất lợi đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính

Những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính về tim mạch, hô hấp, đái tháo đường đều phải gặp những nguy cơ biến chứng bệnh cao hơn những người khác. Do táo bón khi đi đại tiện đòi hỏi phải rặn mạnh, đây chính là một hoạt động gắng sức làm tim phải đập nhanh, thở mạnh, và có thể gây hạ đường huyết đột ngột với những người bị tiểu đường nặng. Từ đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, lên cơn hen, cơn khó thở nặng.

Nguy cơ viêm ruột thừa

Phân ứ tích trong ruột làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tại đường ruột, đặc biệt là viêm ruột thừa – căn bệnh khá nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Ngoài ra phân ứ tích lâu ngày trong ruột có thể làm cho đường ruột bị biến đổi hình dạng, thay đổi vị trí của các tạng trong ổ bụng. Khối phân lớn còn làm cho ruột già giãn rộng, tạo các túi thừa có thành mỏng dễ gây thủng ruột.

Phương pháp điều trị táo bón theo Y học cổ truyền

Phương pháp điều trị táo bón theo Y học cổ truyền
Phương pháp điều trị táo bón theo Y học cổ truyền

Táo bón do khí trệ

Tình trạng khí trệ thường gặp ở bệnh nhân ít vận động, ngồi hay nằm nhiều và ở bệnh nhân mắc viêm đại tràng  mạn tính. Biểu hiện điển hình của khí trệ có thể nhận biết là bụng lúc đau lúc không với vị trí không cố định, người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bụng đầy trướng, khó tiêu, chán ăn.

  • Nguyên tắc điều trị: hành khí, nhuận tràng, kiện tỳ.
  • Áp dụng bài thuốc: thường chứa các thành phần có tác dụng kiện tì như bạch truật, ý dĩ, đảng sâm, thành phần có tác dụng hành khí như chỉ thực, chỉ xác, hậu phác, thành phần nhuận tràng như mè đen, chút chít, lá muồng trâu.

Bạn có thể tham khảo bài thuốc như sau:

  • Đảng sâm 15 gam
  • Bạch truật 10 gam
  • Ý dĩ 20 gam
  • Chỉ xác 10 gam
  • Hậu phác 10 gam
  • Ô dước 15 gam
  • Mè đen 15 gam
  • Chút chít 10 gam
  • Lá muồng trâu 5 gam

Sắc uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

Táo bón do thiếu máu/huyết hư

Loại táo bón này thường gặp ở người thiếu máu, phụ nữ sau sinh, phụ nữ thời kì kinh nguyệt. Các triệu chứng dễ nhận biết ở táo bón loại này là da niêm mạc nhợt nhạt thiếu sức sống, người gầy, thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, chân tay tê bì, mạch nhanh nhỏ, suy dinh dưỡng, bụng khó tiêu, đầy trướng bụng, ăn không hấp thu.

  • Nguyên tắc điều trị:

Để trị táo bón do huyết hư, cần sử dụng các thành phần có tác dụng bổ huyết, hành khí hành huyết, nhuận táo với các thành phần bổ huyết như thục địa, đương quy, bạch thược, bá tử nhân, đại táo, thành phần nhuận tràng như mè đen.

Bạn có thể tham khảo bài thuốc tứ vật thang sau:

  • Thục địa 15 gam
  • Xuyên khung 10 gam
  • Đương quy 10 gam
  • Bạch thược 10 gam
  • Mè đen 15 gam
  • Bá tử nhân 10 gam
  • Đại táo 15 gam

Ngày dùng 1 thang, mỗi thang sắc với 600 ml cho đến khi còn 200 ml, bạn chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày.

Táo bón do nhiệt

Táo bón do nhiệt thường gặp ở những người âm hư huyết nhiệt, thường xuyên nóng trong, người gầy da khô và đỏ. Triệu chứng thường gặp là táo bón kéo dài, miệng họng khô khát, lở loét trong miệng, cáu gắt, khó ngủ, ngủ ít, mạch nhanh.

  • Nguyên tắc điều trị: bổ âm nhuận tràng, lương huyết nhuận tràng.

Bạn có thể tham khảo bài thuốc Ma tử nhân hoàng sau:

  • Ma tử nhân 100 gam
  • Hạnh nhân 50 gam
  • Bạch thược 50 gam
  • Đại hoàng 40 gam
  • Hậu phác 40 gam
  • Chỉ thực 40 gam

Bài thuốc được tán nhỏ thành bột, chia đều cho các ngày, mỗi ngày dùng khoảng tư 10 gam đến 20 gam.

Hoặc bài thuốc ngũ nhân hoàn như sau:

  • Đào nhân 100 gam
  • Hạnh nhân 50 gam
  • Tùng tử nhân 100 gam
  • Bá tử nhân 100 gam

Bài thuốc nên được tán nhỏ thành bột, sử dụng mỗi lần 10 gam, pha với nước uống.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc đông y trị táo bón

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc đông y trị táo bón
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc đông y trị táo bón
  • Thuốc đông y là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh bởi tính an toàn và thân thiện vơi cơ thể của chúng. Tuy nhiên không phải vì thế mà lạm dụng chúng trong điều trị táo bón.
  • Các thuốc đông y điều trị táo bón cần được kê bởi các bác sĩ y học cổ truyền và người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc đông y thường phát huy tác dụng điều trị táo bón tận gốc, điều trị nguyên nhân nhưng phát huy tác dụng thường chậm hơn thuốc tây y. Do đó khi sử dụng người dùng cần kiên trì kể cả khi chưa thấy đạt hiệu quả ngay.
  • Một số loại thuốc khi sử dụng quá có khả năng gây ra mất cân bằng âm dương trong cơ thể, gây mất nước và tân dịch. Do đó việc sử dụng chỉ nên dừng lại khi khí huyết đã đạt trạng thái cân bằng.
  • Thuốc đông y không có tác dụng điều trị nếu như bạn vẫn duy trì một chế độ ăn uống kém lành mạnh. Khi điều trị bằng thuốc đông y, bạn nên duy trì lượng nước đủ cho cơ thể mỗi ngày, hạn chế ăn các đồ ăn gây nóng trong đặc biệt là các loại gia vị cay nồng, hạn chế uống rượu bia.

Thuốc đông y trị táo bón có gây tác dụng phụ không ?

Bất cứ thuốc nào, ngoài tác dụng điều trị, còn có những tác dụng không mong muốn, tuy nhiên thuốc đông y nếu dùng theo đúng hướng dẫn thì có thể giảm thiểu được tác dụng phụ của thuốc. Trường hợp lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc liên tục, kéo dài có thể làm cho cơ thể bị mất cân bằng, gây ra bệnh ngược lại với bệnh táo bón, cơ thể trở nên suy nhược, mệt mỏi, thất thoát tân dịch, mất nước.

Ưu điểm của thuốc đông y trị táo bón so với thuốc tây y

Thuốc đông y thường có nhiều lợi điểm so với thuốc tây y như:

  • Thuốc đông y giúp trị bệnh táo bón theo nguyên nhân gây ra bệnh, ví dụ táo bón do nhiệt sẽ sử dụng bài thuốc lương huyết nhuận táo. Do đó sử dụng thuốc đông y có thể điều trị triệt để bệnh. Còn thuốc tây y điều trị táo bón chủ yếu là điều trị triệu chứng một cách tạm thời, không giúp duy trì chống táo bón, chủ yếu là giảm triệu chứng kết hợp thay đổi chế độ ăn để giảm nguy cơ táo bón.
  • Thuốc đông y an toàn và ít tác dụng phụ hơn thuốc tây y. Sử dụng thuốc tây y có thể gây ra mất nước, kích thích mạnh thần kinh ruột gây co bóp đau bụng, sử dụng kéo dài làm cho người bệnh dễ bị táo bón hơn bình thường – làm nặng hơn tình trạng táo bón.
  • Thuốc đông y bên cạnh điều trị táo bón, chúng còn lập lại cân bằng cho cơ thể, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, ăn ngon ngủ ngon.
  • Tuy nhiên thuốc đông y lại phát huy tác dụng giảm triệu chứng táo bón chậm hơn thuốc tây y. Vậy nên trong trường hợp cấp thiết, cần phải sử dụng thuốc tây y để giảm nhanh táo bón, đẩy phân ra ngoài, sau đó mới sử dụng thuốc đông y kết hợp với chế độ ăn uống khoa học (uống nhiều nước, sử dụng nhiều rau củ quả, chất xơ) để trị triệt để táo bón.

Nguồn tham khảo: Sách dược học cổ truyền – Bộ y tế

Tham khảo thêm:

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa