[Review] Các nhóm thuốc nhuận tràng trị táo bón tốt nhất hiện nay

Tại sao bị táo bón

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, nhưng nó có thể được chia thành hai nhóm chính: nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.

Nhóm nguyên nhân nguyên phát

Nhóm nguyên nhân nguyên phát được chia thành ba loại sau: Táo bón vận động ruột bình thường, táo bón vận động ruột chậm và rối loạn chức năng sàn chậu:

  • Táo bón vận động ruột bình thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng táo bón nguyên phát. Trong trường hợp này, mặc dù phân đi qua đại tràng với tốc độ bình thường, nhưng người bệnh cảm thấy khó khăn trong quá trình đi đại tiện.
  • Táo bón vận động ruột chậm được gây nên bởi sự giảm hoạt động vận động đại tràng, thường xảy ra trên đối tượng nữ chủ yếu. Bệnh nhân có thể thấy triệu chứng đầy bụng hay chướng bụng nhẹ hoặc sờ thấy phân trong đại tràng sigma.
  • Rối loạn chức năng sàn chậu: Người bệnh thường than phiền thời gian đại tiện kéo dài, cảm giác đi tiêu không hết hoặc phải sử dụng một lực đè lên sàn chậu trong khi đại tiện giúp cho phân dễ dàng thoát ra ngoài.

Nhóm nguyên nhân thứ phát

Nguyên nhân từ việc chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý bao gồm:

  • Uống thiếu nước (điều này sẽ làm cho phân trở nên khô cứng)
  • Ăn ít chất xơ trong ngày (đặc biệt là các ngũ cốc, trái cây và rau quả)
  • Uống nhiều đồ uống kích thích như cà phê, trà hay rượu (do chúng có khả năng lợi tiểu, làm bệnh nhân tiểu nhiều trong ngày gây ra tình trạng mất nước tương đối, làm tăng hấp thụ nước từ ruột, làm phân cứng hơn và gây ra táo bón);
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo động vật (kể cả các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng), đường tinh luyện;
  • Bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu, thường xuyên nhịn đi tiêu (có nghĩa là khi có cảm giác mắc đi tiêu nhưng người bệnh bỏ qua, nguyên nhân có thể do họ không muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do công việc quá bận rộn)…Nếu tình trạng này xảy ra trong một thời gian dài, sau một thời gian, bệnh nhân có thể sẽ mất cảm giác muốn đi đại tiện và dẫn đến tình trạng táo bón;
  • Ít vận động cũng có thể gây ra táo bón.

Nguyên nhân cấu trúc bao gồm: nứt lỗ hậu môn, trĩ huyết khối, xuất hiện khối u làm tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng không rõ nguyên nhân.

Các nguyên nhân toàn thân gồm: tăng nồng độ calci máu, bệnh nhân cường cận giáp, tình trạng hạ kali máu, suy giảm chức năng tuyến giáp, phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.

Táo bón là một triệu chứng phổ biến khi mang thai có thể do một số yếu tố như: sức nặng của tử cung đè lên ruột, sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai làm chậm vận động ruột, thay đổi chế độ ăn, vết nứt hậu môn, trĩ, uống thuốc sắt trong khi mang thai.

Rối loạn thần kinh: đột quỵ, bệnh Hirschsprung, bệnh Parkinson, tổn thương vùng tủy sống, chấn thương vùng đầu.

Các bệnh mô thuộc liên kết như: xơ cứng bì, lupus ban đỏ.

Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng táo bón phổ biến bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, các ion kim loại, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit (ví dụ hợp chất nhôm và canxi), lợi tiểu, chẹn kênh canxi (verapamil), thuốc chống viêm không steroid (ví dụ ibuprofen, diclofenac), thuốc có chứa chất gây nghiện (ví dụ codein và morphin), một số thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật…

Các vấn đề tâm lý (ví dụ bệnh nhân trầm cảm, lo lắng) cũng có thể góp phần vào sự phát triển của táo bón.

Người lớn tuổi dễ bị táo bón vì những lý do sau: chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng và uống quá ít nước, ít luyện tập thể dục, do tác dụng phụ của các loại thuốc.

Nhóm thuốc nhuận tràng trị táo bón

Nhóm nhuận tràng tạo khối

Metamucil
Hình ảnh: Thuốc Metamucil

Metamucil thuộc thương hiệu Metamucil, sản xuất tại Mỹ, gồm 114 liều mỗi chai. Metamucil thuộc nhóm thuốc tiêu hóa với tác dụng: giảm các triệu chứng táo bón ở người trưởng thành và hỗ trợ điều trị giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Thành phần của thuốc gồm có các chất xơ tổng hợp, Psyllium.

Liều dùng của thuốc:

  • Người trưởng thành và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: mỗi lần dùng 2 muỗng, uống với 200ml nước. Ngày uống 2 lần
  • Trẻ em dưới 12 thuổi: tham khảo ý kiến của bác sĩ
  • Dùng thuốc trước hoặc sau khi ăn đều được.

Các đối tượng không nên dùng thuốc:

  • Không dùng thuốc trong trường hợp mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc
  • Chống chỉ định dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân đau bụng không rõ nguyên nhân, hoặc bệnh nhân tắc ruột

Những tác dụng phụ không mong muốn:

  • Buồn nôn, nôn mửa, ỉa chảy, đau bụng
  • Dị ứng/mẫn cảm

Khi có bất kì dấu hiệu nào trong những dấu hiệu của tác dụng phụ nên đến ngay bệnh viện để chữa trị một kịp thời, không nên để lâu dài gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thuốc metamucil giá bao nhiêu tiền?

Thuốc metamucil có giá 800.000 cho mỗi hộp có khối lượng tịnh là 174g.

Nhóm nhuận tràng thẩm thấu

Thuốc nhuận tràng Sorbitol

Thuốc nhuận tràng Sorbitol
Hình ảnh: Thuốc nhuận tràng Sorbitol

Thuốc nhuận tràng Sorbitol thuộc nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu, có dạng bột với gói 5g (dùng để uống); và dạng dung dịch 70% để uống hoặc đặt trực tràng.

Tác dụng của thuốc:

Sorbitol (D – glucitol) là một rượu chứa nhiều nhóm hydroxyl, có vị ngọt bằng 1/2 đường mía (sacarose). Thuốc thúc đẩy sự hydrat – hoá các chất chứa trong ruột. Sorbitol kích thích sự bài tiết cholecystokinin – pancreazymin và kích thích làm tăng hoạt động của nhu động ruột nhờ tác dụng nhuận tràng thẩm thấu.

Chỉ định của thuốc:

Sorbitol được dùng trong điều trị chứng táo bón và khó tiêu.

Chống chỉ định:

  • Sorbitol chống chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột non, viêm loét đại – trực tràng, bệnh Crohn và hội chứng tắc hoặc bán tắc ruột, chứng đau bụng không rõ căn nguyên.
  • Sorbitol chống chỉ định đối với bệnh nhân không có khả năng dung nạp fructose do di truyền (bệnh chuyển hóa hiếm gặp).

Thận trọng khi dùng thuốc:

  • Không được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị chứng tắc ống dẫn mật. Ở người bệnh “đại tràng kích thích” tránh dùng sorbitol khi đói và nên giảm liều.
  • Tránh dùng thuốc nhuận tràng táo bón trong một thời gian dài. Điều trị chứng táo bón bằng sorbitol chỉ để hỗ trợ cho cách điều trị bằng chế độ ăn uống.

Tác dụng phụ:

Khi dùng thuốc Sorbitol bệnh nhân có thể bị ỉa chảy và đau chướng bụng, nhất là trên những bệnh nhân có “đại tràng kích thích” hoặc đầy trướng bụng.

Trong trường hợp khi dùng thuốc gặp bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc, bạn nên ngừng dùng thuốc và thăm khám bác sĩ sớm nhất.

Liều lượng và cách dùng:

  • Liều dùng để điều trị triệu chứng khó tiêu: Dùng thuốc trước khi ăn hoặc khi có triệu chứng khó tiêu, người trưởng thành 1 – 3 gói mỗi ngày.
  • Liều dùng để điều trị chứng táo bón: Người trưởng thành dùng 1 gói vào lúc đói, vào buổi sáng. Trẻ em dùng liều bằng 1/2 liều người lớn.
  • Ghi chú: Pha 1 gói trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn khoảng 10 phút.

Tương tác thuốc:

Do làm tăng nhu động ruột, mọi thuốc nhuận tràng có thể rút ngắn thời gian di chuyển của các thuốc uống cùng, do đó làm giảm sự hấp thu của những thuốc này.

Quá liều và xử trí:

Rối loạn nước và điện giải do dùng nhiều liều lặp lại. trong trường hợp đó, bệnh nhân cần được bù nước và điện giải.

Thuốc MiraLAX

Thuốc MiraLAX
Hình ảnh: Thuốc MiraLAX

Thực phẩm chức năng Bột trị táo bón cho trẻ em và người lớn Miralax dạng bột có khối lượng tịnh 578 gam, do hãng Bayer của Mỹ sản xuất.

Thành phần:

Thực phẩm chức năng Bột trị táo bón cho trẻ em và người lớn Miralax gồm có PEG 3350 có hàm lượng 17 gam.

Bột MiraLAX có tác dụng gì?

Polyethylene glycol tác dụng bằng cách đưa nước vào trong ruột, giúp giữ cho hệ thống tiêu hóa được hoạt động ổn định và thường xuyên. Nước trong ruột giúp làm mềm khối phân, giúp phân được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn. Polyethylene glycol (MiraLAX) thường làm giảm táo bón trong 1-3 ngày.

Công dụng của thuốc:

  • Giảm triệu chứng táo bón.
  • Làm mềm khối phân.
  • Giúp đi đại tiện dễ dàng và thường xuyên hơn.
  • Giảm các triệu chứng xì hơi, đầy chướng bụng, đau tức bụng…
  • Tạo một tinh thần dễ chịu, thoải mái, giảm nóng nảy và căng thẳng.

Cách dùng:

  • Bộ phận nắp chai có tác dụng đong bột chữa táo bón 17 gam bột (phần trắng trong nắp).
  • Người trưởng thành và trẻ em từ 17 tuổi trở lên: dùng 17g bột pha với 4 – 8 ounces nước (lạnh, nóng, hoặc nhiệt độ bình thường) hoà tan rồi uống. Bột không có mùi vị. Mỗi ngày sử dụng một lần.
  • Trẻ em từ 16 tuổi trở xuống: Hỏi ý kiến của bác sĩ.

Không nên uống nhiều hơn chỉ dẫn trừ khi bác sĩ của bạn khuyên.

Ngoài ra để cải thiện hệ tiêu hoá đường ruột, bạn có thể bổ sung Probiotic, hoặc kẹo dẻo bổ sung chất xơ vitafusion hay bột uống bổ sung chất xơ của Kirkland

Nhóm nhuận tràng kích thích

Bisacodyl

Dulcolax
Hình ảnh: Thuốc Dulcolax

Bisacodyl (Dulcolax) được sản xuất dưới dạng viên bao tan trong ruột: 5 mg hoặc dưới dạng viên đạn đặt trực tràng: 5 mg, 10 mg hay dạng hỗn dịch: 10 mg trong 30 ml.

Cơ chế tác dụng:

Bisacodyl là dẫn chất của diphenylmethan, có công dụng nhuận tràng kích thích; thuốc không tan được trong nước, tan ít trong cồn. Bisacodyl làm tăng nhu động ruột do tác dụng trực tiếp lên cơ trơn đường ruột bởi kích thích đám rối thần kinh trong thành ruột; thuốc cũng làm tăng tích lũy ion và dịch thể trong đại tràng.

Chỉ định:

  • Ðiều trị các triệu chứng táo bón.
  • Giúp làm sạch ruột trước và sau phẫu thuật.
  • Chuẩn bị chụp X – quang đại tràng.

Chống chỉ định trong các trường hợp:

Thuốc không được dùng trong các trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng phẫu thuật vùng ổ bụng, bệnh nhân bị tắc ruột, bị viêm ruột thừa, xuất huyết vùng trực tràng, bệnh nhân bị viêm dạ dày – ruột.

Thận trọng khi sử dụng thuốc:

  • Bạn không nên dùng viên nén Bisacodyl bằng cách nhai thuốc trước khi uống; cần phải nuốt nguyên viên. Thuốc không nên dùng kèm các thuốc kháng acid và sữa. Nếu có thể, bạn nên uống cách các thuốc/tpcn trên cách xa 1 giờ.
  • Dùng thuốc dài ngày có thể dẫn đến đại tràng mất trương lực, không hoạt động và chứng giảm kali máu. Vì vậy cần tránh dùng các thuốc nhuận tràng kéo dài quá 1 tuần, trừ khi có hướng dẫn của thầy thuốc.

Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai và thời kỳ cho con bú:

Hiện chưa tìm thấy nguy cơ khi sử dụng thuốc Bisacodyl trên đối tượng phụ nữ mang thai và người đang trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên đến hỏi ý kiến của bác sĩ trong trường muốn sử dụng Bisacodyl để điều trị táo bón trong thời kỳ mang thai hay đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn:

  • Thường xảy ra ở hệ tiêu hóa như: Ðau chướng bụng, buồn nôn.
  • Tác dụng không mong muốn ít gặp: Kích ứng lỗ trực tràng.

Hướng dẫn cách xử trí ADR: Bạn có thể làm giảm triệu chứng của ADR bằng cách giảm liều dùng của thuốc.

Liều lượng và cách dùng:

Bisacodyl có thể dùng được cho mọi lứa tuổi.

Ðiều trị chứng táo bón:

  • Người trưởng thành và trẻ em trên 10 tuổi: mỗi lần dùng 1 đến 2 viên bao (5 hoặc 10 mg) uống vào buổi tối, hoặc đặt 1 viên đạn trực tràng 10 mg vào buổi sáng. Ðôi khi có thể dùng liều cao hơn nếu thấy cần thiết (có thể tới 3 hoặc 4 viên bao 5 mg).
  • Trẻ em dưới 10 tuổi: mỗi lần dùng 1 viên bao 5 mg vào buổi tối hoặc 1 viên đạn trực tràng 5mg vào buổi sáng.
  • Người lớn tuổi: Dùng liều tương tự như người lớn.
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Không nên uống do khó nuốt. Độ tuổi này nên sử dụng dạng bào chế viên đạn trực tràng cùng với chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp dùng thay thế thụt tháo phân:

  • Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: 2 viên bao 5 mg vào buổi tối, sau đó dùng 1 viên đạn trực tràng 10 mg vào buổi sáng.
  • Trẻ em dưới 10 tuổi: 1 viên bao 5 mg vào buổi tối, sau đó 1 viên đạn trực tràng 5mg vào buổi sáng.

Trường hợp chuẩn bị chụp X quang đại tràng:

  • Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi: Mỗi tối dùng 2 viên 5mg trong vòng 2 tối liền, trước khi chụp chiếu.
  • Trẻ em dưới 10 tuổi: Mỗi tối dùng 1 viên, trong vòng 2 tối liền, trước khi chụp chiếu.

Tương tác thuốc:

  • Thuốc lợi tiểu giữ kali hoặc các chất bổ sung kali: Dùng các thuốc nhuận tràng lâu dài hoặc quá liều có thể làm giảm nồng độ kali huyết thanh do làm mất kali quá nhiều qua đường ruột; thuốc nhuận tràng có thể ảnh hưởng đến tác dụng giữ kali của các thuốc lợi tiểu nói trên.
  • Dùng phối hợp các thuốc antacid, các thuốc đối kháng thụ thể H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin, và ranitidin, hoặc sữa với viên bisacodyl trong vòng 1 giờ, sẽ gây kích ứng dạ dày đại tràng do thuốc bị tan quá nhanh.

Quá liều và xử trí:

Triệu chứng gặp phải khi quá liều bao gồm: đau bụng dưới có thể kèm theo dấu hiệu liên quan đến mất nước, nhất là ở người lớn tuổi và trẻ nhỏ

Xử trí: Ở những nơi có điều kiện nên rửa dạ dày. Cần duy trì bù nước và theo dõi nồng độ kali máu. Thuốc chống co thắt có thể phần nào có giá trị. Ðặc biệt chú ý cân bằng thể dịch ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Không có thuốc giải độc đặc hiệu.

Nhóm nhuận tràng làm mềm phân

Thuốc Duphalac

Thuốc Duphalac
Hình ảnh: Thuốc Duphalac

Thuốc Duphalac có dạng dung dịch uống mỗi gói 15ml, hộp 10 gói và 20 gói hoặc dạng chai 200ml/500ml/1000ml.

Thành phần gồm có Lactulose với hàm lượng 10g.

Tác dụng:

Duphalac là một loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu, có tác dụng hạ amoniac máu.

Lactulose bị thủy phân bởi các enzyme của vi khuẩn tạo thành các acid hữu cơ, làm giảm độ pH ở đoạn giữa kết tràng. Do sự hấp thu amoniac ở ruột tăng theo pH, việc giảm độ pH ở kết tràng sẽ kéo theo giảm sự hấp thụ amoniac. pH ở kết tràng giảm do lactulose sẽ kéo theo sự khuếch tán của amoniac từ máu vào trong ruột. Mặt khác trong môi trường acid, amoniac ở kết tràng (NH3), là dạng có thể khuếch tán được sẽ chuyển thành muối amoni (NH4) là dạng không khuếch tán được, điều này sẽ cản trở việc amoniac phân tán vào máu.

Sự acid hóa môi trường trong ruột sẽ làm kích thích nhu động ruột, điều này cho phép đào thải amoniac ra khỏi cơ thể nhanh hơn.

Chỉ định:

  • Điều trị các triệu chứng liên quan đến táo bón.
  • Bệnh não gan.

Chống chỉ định:

  • Các bệnh lý đại tràng viêm thực thể (như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn…), hội chứng tắc hoặc bán tắc, đau bụng không căn nguyên.
  • Chế độ kiêng galactose do trong thành phần của thuốc có một loại đường tương tự (8%).

Thận trọng:

  • Không nên dùng thuốc trị táo bón trong một thời gian dài.
  • Dùng thuốc trong chứng táo bón chỉ là một hỗ trợ cho việc điều trị bằng chế độ vệ sinh và ăn uống
  • Ăn thức ăn giàu chất sợi và uống nhiều nước.
  • Tăng vận động và tập thói quen đi cầu.
  • Ở nhũ nhi và trẻ em, chỉ kê toa thuốc nhuận trường khi thật sự cần thiết, do có nguy cơ làm mất phản xạ đi cầu bình thường ở trẻ.
  • Có thể kê toa Duphalac dạng dung dịch cho bệnh nhân tiểu đường, do trong thành phần không có glucose.

Tác dụng phụ:

  • Đầy bụng và đại tiện phân lỏng: Các triệu chứng này có thể xảy ra vào thời gian đầu điều trị, các hiện tượng này sẽ ngưng khi dùng với liều thích hợp.
  • Một số tác dụng không mong muốn khác như mẩn ngứa, cảm giác đau hậu môn, sụt cân vừa phải.

Liều lượng:

Đường sử dụng: Uống hoặc bơm hậu môn.

Duphalac có thể được uống nguyên chất hoặc pha loãng với thức uống. Một muỗng canh Duphalac dung dịch uống bằng 1 gói, bằng 10 g lactulose.

Điều trị táo bón:

Liều dùng nên được điều chỉnh ở từng bệnh nhân theo kết quả điều trị thu được. Liều trung bình hàng ngày như sau:

  • Trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 0 đến 12 tháng: 1 muỗng cafe/ngày.
  • Trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi: 1 đến 2 muỗng cafe/ngày.
  • Trẻ trong độ tuổi từ 7 đến 14 tuổi: điều trị tấn công 1 gói/ngày, hay 1 muỗng canh/ngày, điều trị duy trì: 2 muỗng cafe/ngày.
  • Người trưởng thành: Giai đoạn điều trị tấn công: mỗi ngày dùng từ 1 đến 3 gói, hay 1 đến 3 muỗng canh, giai đoạn điều trị duy trì: mỗi ngày dùng từ 2 đến 5 muỗng cafe.

Trong trường hợp tiêu chảy thì nên giảm liều.

Điều trị bệnh não gan:

Trong tất cả các trường hợp, liều lý tưởng là liều giúp cho đi phân mềm 2 lần/ngày. Thời gian điều trị thay đổi theo triệu chứng bệnh.

Điều trị ngoại trú:

Người lớn: mỗi ngày dùng từ 1 đến 2 gói/ lần, chia làm 3 lần, điều trị lâu dài.

Điều trị ở bệnh viện trường hợp bệnh nhân bị hôn mê hoặc tiền hôn mê, điều trị tấn công bằng cách cho vào ống thông dạ dày hoặc thụt rửa, thông dạ dày 6 – 10 gói, nguyên chất hoặc pha loãng với nước.

Thụt rửa với ống thông có bong bóng: Pha 300 ml thuốc với 700 ml nước ấm và thụt giữ trong 20 phút đến 1 giờ; sau 12 giờ có thể lặp lại thao tác nếu cần.

Điều trị chuyển tiếp đường uống: mỗi ngày dùng từ 1 đến 2 gói/lần, chia ra 3 lần/ngày.

Quá liều:

Triệu chứng có thể gặp khi dùng quá liều là tiêu chảy.

Xử lý: Ngưng điều trị với thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Thuốc Forlax

Thuốc Forlax
Hình ảnh: Thuốc Forlax

Forlax là bột pha dung dịch uống.

Thành phần gồm Macrogol 4000 với hàm lượng 10g.

Dược lực học:

Các chất macrogol cao phân tử là những polymer dài thẳng trên đó các phân tử nước được gắn vào bằng những cầu nối hydro. Chúng làm tăng lượng nước trong ruột khi uống vào. Thể tích nước trong ruột không được hấp thu nên dung dịch có tính nhuận tràng.

Chỉ định:

Điều trị triệu chứng táo bón ở người trưởng thành.

Chống chỉ định:

Thuốc không được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh viêm ruột thực thể (viêm loét đại-trực tràng, bệnh Crohn …), hội chứng tắc hay bán tắc, hội chứng đau bụng không rõ căn nguyên.

Thận trọng khi sử dụng thuốc:

  • Không nên dùng thuốc lâu dài và cần kết hợp cả chế độ ăn uống với sinh hoạt hợp lý để nhanh chóng giảm được các triệu chứng táo bón.
  • Cần bổ sung nhiều chất xơ có trong hoa quả, trái cây và uống nhiều nước.
  • Tăng cường hoạt động thể lực và không được nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu.
  • Thuốc Forlax có thể dùng được trên bệnh nhân đái tháo đường hoặc bệnh nhân dùng chế độ ăn không chứa galactose do không có đường hoặc polyol.

Tương tác thuốc:

Forlax có thể làm giảm hấp thu của các thuốc uống cùng một lúc. Thông thường, nên uống Forlax cách xa các thuốc khác ít nhất 2 giờ.

Tác dụng phụ:

Có thể xuất hiện chứng đau bụng, nhất là trên các bệnh nhân bị rối loạn chức năng ruột (hội chứng ruột kích thích).

Quá liều và xử trí:

Trong trường hợp dùng quá liều, tiêu chảy có thể xuất hiện và ngưng trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau khi dừng điều trị, sau đó việc điều trị có thể được tiếp tục với liều thấp hơn.

Liều lượng:

  • Uống từ 1 đến 2 gói mỗi ngày.
  • Cách dùng: pha mỗi gói vào trong 1 ly nước.
  • Forlax có hiệu quả trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi uống.

Nhóm nhuận tràng làm trơn

Dầu paraffin
Hình ảnh: Dầu paraffin

Dầu paraffin thuộc nhóm thuốc nhuận tràng, gồm dạng lỏng dùng để uống hoặc dùng ngoài.

Tác dụng:

Parafin lỏng là hỗn hợp của các hydrocarbon mạch no, thể chất dạng lỏng, có nguồn gốc từ dầu lửa, giúp làm trơn và làm mềm khối phân, làm chậm quá trình hấp thu nước nên hay được dùng làm thuốc nhuận tràng.

Chỉ định:

  • Điều trị triệu chứng táo bón.
  • Dùng trong trường hợp cần thụt tháo phân: Chỉ nên dùng trong các trường hợp thật cần thiết.
  • Ðiều trị các trường hợp da khô, bệnh vảy cá hoặc tăng sừng hóa.

Chống chỉ định:

  • Không dùng parafin lỏng nếu cơ thể nhạy cảm hoặc dị ứng với thuốc.
  • Chống chỉ định dùng đường uống cho trẻ em chưa đủ 6 tuổi, người lớn tuổi, người bệnh nằm liệt giường, người ốm đau hoặc phụ nữ có thai, người bệnh gặp chứng khó nuốt, ứ thực quản hoặc dạ dày, thoát vị khe thực quản.
  • Không uống parafin khi đang đau bụng, nôn nao, nôn mửa.
  • Không được tiêm do tiêm parafin lỏng có thể gây phản ứng u hạt.

Thận trọng:

  • Tránh hít phải parafin lỏng.
  • Không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai vì khi uống kéo dài parafin lỏng đã xảy ra trường hợp hạ prothrombin huyết và bệnh chảy máu ở trẻ sơ sinh.
  • Không có chống chỉ định dùng cho người cho con bú do do có thể dùng parafin trong trường hợp phụ nữ có thai.

Tác dụng phụ:

  • Dùng liều cao đường uống hoặc đường trực tràng có thể gây rỉ nước, kích ứng hậu môn, ngứa hậu môn, có thể gây ảnh hưởng đến cơ chế phản xạ bình thường của trực tràng, tăng nhiễm khuẩn và lâu lành các thương tổn ở hậu môn – trực tràng. Giảm liều có thể giảm thiểu tình trạng rỉ nước này.
  • Parafin lỏng trước đây được dùng trong một số thuốc bôi niêm mạc mũi và dùng trong nội khoa làm thuốc nhuận tràng. Hiện nay thấy rằng cả hai cách dùng này không an toàn như quan niệm trước đây. Dùng bôi niêm mạc mũi, một lượng nhỏ parafin lỏng có thể bị hít vào phổi và gây viêm phổi “dạng lipid”.
  • Parafin lỏng, dùng liên tục với lượng lớn có thể gây chán ăn, và làm giảm sự hấp thụ các vitamin tan trong mỡ (A, D, E, K) và một vài chất khác.

Liều lượng và cách dùng:

Ðiều trị triệu chứng táo bón ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên: Uống parafin lỏng 15 – 30 ml một lần mỗi ngày, thường vào lúc trước khi đi ngủ. Không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.

Trẻ em từ 6 – 11 tuổi: 5 – 15 ml một lần mỗi ngày hoặc chia từng liều nhỏ tối thiểu 5 ml mỗi lần.

Parafin lỏng còn được dùng trong thành phần của một số các chế phẩm có chứa các thuốc nhuận tràng khác như cascara, magnesi hydroxyd.

Thụt tháo phân: Dùng liều 120ml cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên trong những trường hợp thật cần thiết.

Trẻ em 2 – 11 tuổi dùng liều 30 – 60 ml.

Tương tác thuốc:

Mọi thuốc nhuận tràng đều có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc khác uống đồng thời. Parafin lỏng có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc uống như vitamin tan trong dầu, caroten, thuốc tránh thai uống, các thuốc chống đông máu như coumarin và dẫn xuất indandion. Trong phân, dầu parafin có thể trộn với các sulfamid không hấp thu được (thí dụ phthalylsulfathiazole) làm ảnh hưởng đến tác dụng kháng khuẩn của những thuốc này. Người dùng những thuốc nói trên nên tránh dùng dầu parafin đồng thời.

Lưu ý khi sử dụng

Khi được kê đơn sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau để dùng thuốc có hiệu quả:

  • Về dạng thuốc: Thuốc được sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau (viên nén, viên đạn, dạng dung dịch) nên khi dùng cần biết mình đang dùng dạng thuốc nào. Nếu dùng loại viên bao tan trong ruột (được sản xuất để chỉ phân rã ở ruột) thì không được nhai thuốc trước khi uống. Trẻ em chưa đủ 6 tuổi thường gặp tình trạng khó nuốt nên không nên dùng dạng uống. Ngoài ra việc dùng dạng viên đạn đặt trực tràng cần có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Về tác dụng có hại: Một số triệu chứng thường gặp do thuốc gây ra như đau bụng, nôn nao, nôn mửa hay kích ứng trực tràng. Có thể khắc phục các tác dụng phụ trên bằng cách giảm liều dùng của thuốc.
  • Dùng cùng với các thuốc khác: Với những người bệnh mắc nhiều bệnh và phải uống nhiều thuốc điều trị cùng một lúc cần chú ý tới khoảng cách uống các thuốc điều trị này với thuốc trị táo bón bisacodyl. Do bisacodyl làm tăng nhu động ruột, nếu uống cùng các thuốc điều trị này thì thuốc chưa kịp có  tác dụng đã bị tống ra ngoài. Đối với người bị bệnh về dạ dày nếu dùng phối hợp các antacid, các thuốc kháng H2 như: cimetidin, famotidin, nizatidin và ranitidine hoặc sữa với bisacodyl trong vòng 1 giờ, sẽ gây kích ứng dạ dày và tá tràng do thuốc bị tan quá nhanh.
  • Không  nên dùng thuốc trị táo bón dài ngày: việc dùng dài ngày thuốc trị táo bón có thể dẫn đến giảm trường lực đại tràng và giảm nồng độ kali máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể bị đau bụng và ỉa chảy. Do đó bạn không nên để bé dùng thuốc trị táo bón quá 7 ngày.
  • Chống chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân bị tắc ruột, chứng viêm ruột thừa, xuất huyết vùng trực tràng, bệnh nhân bị viêm dạ dày, ruột.
  • Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị hỗ trợ khác như ăn sữa chua hoặc sữa bột có nhiều chất xơ, trà thảo dược. Sau khi điều trị bằng thuốc giúp cơ thể vượt qua giai đoạn không bình thường trong bài tiết, cần điều chỉnh lại lối sống, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục cho phù hợp để phòng tránh táo bón.

Phòng và tự điều trị táo bón tại nhà

Uống đủ nước

Uống đủ nước
Uống đủ nước

Mất nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón. Để phòng ngừa táo bón bệnh nhân cần phải uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày.

Một số nghiên cứu cho thấy việc uống nước có gas hoặc uống caffein có thể để hỗ trợ điều trị chứng táo bón do trong thành phần nước có gas có tác dụng bù nước nhanh chóng và đẩy phân di chuyển trong ruột dễ dàng hơn. Bên cạnh đó việc uống nước có gas còn hỗ trợ trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích.

Tuy vậy bệnh nhân không nên dùng quá nhiều nước có gas như Soda có đường. Bởi loại nước trên có thể gây tác động xấu đến sức khỏe nghe bệnh nhân.

Tiêu thụ nhiều chất xơ

Việc cung cấp thêm các chất xơ là một trong những cách điều trị táo bón đơn giản và hiệu quả nhất. Lượng chất xơ đủ lớn có thể làm tăng số lượng và khối lượng phân bài tiết ra, giúp phân đi qua đường ruột một cách dễ dàng hơn, từ đó hỗ trợ trong điều trị táo bón hiệu quả.

Về bản chất ít thì chất xơ được chia thành chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan là là loại có hiệu quả trong việc được việc điều trị táo bón và bà có mặt trong các loại thực phẩm như: lúa mạch, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt,…

Nhìn chung để phòng ngừa táo bón bạn nên bổ sung nhiều chất xơ bằng nhiều cách sao cho tổng lượng chất xơ mỗi ngày tối thiểu là 25 gam đối với phụ nữ và 38g đối với người nam giới.

Tập luyện thể dục thể thao

Việc luyện tập thể dục thể thao hoặc các hoạt động thể chất có thể hỗ trợ trong việc điều trị táo bón hiệu quả. Mặc dù điều này không làm tăng số lần đi đại tiện. Tuy nhiên chúng lại có thể đem lại hiệu quả nhiều trong việc giảm các triệu chứng táo bón. Hoạt động tập luyện thể dục thể thao có thể kể đến như đi bộ, chạy bộ, tập xe đạp, bơi lội.

Bổ sung thực phẩm Prebiotic

Một hệ thống vi khuẩn ở hệ đường ruột khỏe mạnh rất cần thiết để có một hệ thống tiêu hóa tốt, đặc biệt là đối với người bị táo bón. Các loại thực phẩm chứa Prebiotic có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong hệ đường ruột giúp đường ruột luôn luôn khỏe mạnh và có thể ngăn ngừa chứng táo bón.

Các loại thực phẩm giàu Prebiotic có thể kể đến gồm: các loại sữa chua, kim chi, dưa muối, tỏi, lá bồ công anh, hành tây, măng tây, chuối, táo.

Ngoài ra, một số loại phô mai lên men cũng chứa các lợi khuẩn còn sống như: Gouda, mozzarella, cheddar và cottage

Sử dụng mận khô hoặc nước ép mận

Mận khô và nước ép mận cũng có tác dụng trong việc điều trị táo bón. Ngoài lượng chất xơ dồi dào, mận còn chứa Sorbitol có tác dụng nhuận tràng hiệu quả. Bên cạnh đó, mận còn chứa Dihydroxyphenyl Isatin có tác dụng làm tăng khả năng hoạt động của đại tràng, chống oxy hóa tăng cường sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, bạn đọc không nên tiêu thụ một lượng mận quá nhiều cùng một lúc. Đôi khi sử dụng quá nhiều mận hoặc nước ép mận có thể gây tiêu chảy. Lượng mận được khuyến khích để điều trị táo bón là 100 gram mỗi ngày, chia làm 2 lần.

Uống trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc là thuốc nhuận tràng có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, giúp tăng tốc độ đẩy phân đi qua hậu môn dễ dàng hơn. Các hoạt chất tự nhiên trong các loại trà có thể làm mềm, mịn phân và hỗ trợ điều trị táo bón tại nhà. các loại trà thảo dược có tác dụng hỗ trợ táo bón bao gồm:

  • Trà xanh
  • Trà bạc hà
  • Trà đen
  • Trà Atiso

Bổ sung vitamin

Các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C và B có thể làm giảm các triệu chứng của táo bón và hoạt động như một hoạt chất giải độc dạ dày. Vitamin kích thích nhu động ruột và loại bỏ các độc tố không có lợi cho sức khỏe và hỗ trợ loại bỏ các chất không thể tiêu hóa được ra khỏi cơ thể.

Các loại vitamin phù hợp cho người táo bón bao gồm vitamin C và vitamin B1, B5, B9 và B12.

Xem  thêm: Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản Gaviscon có tốt không? Giá bao nhiêu?

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa