Phân loại và tác dụng của thuốc nhét hậu môn trị táo bón

Ngày nay nhiều loại thuốc nhét hậu môn đang dần được phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm. Rất nhiều người thắc mắc thuốc nhét hậu môn là gì, các thuốc này có thành phần và cơ chế tác dụng như thế nào? Các đối tượng nào có thể sử dụng thuốc dạng này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một phần các thắc mắc ấy!

Thuốc nhét hậu môn
Hình ảnh: Thuốc nhét hậu môn

Thuốc nhét hậu môn là gì?

Thuốc nhét hậu môn, hay còn có tên gọi khác là thuốc đặt hậu môn, thuốc viên đạn là một loại thuốc có đường sử dụng là đặt trực tiếp vào phần trực tràng của người bệnh. Các loại thuốc này thường ở dạng rắn, có hình giống viên đạn, khi đặt vào hậu môn sẽ giải phóng các hoạt chất dưới tác dụng của thân nhiệt.

Các thuốc nhét hậu môn có những ưu điểm như: không bị phá hủy bởi enzym đường tiêu hóa, pH ở dạ dày; trên 50% thuốc được hấp thu trực tiếp với hệ tĩnh mạch 2/3 dưới, không bị chuyển hóa pha 1 tại gan. Do vậy, các thuốc đặt trực tràng rất thích hợp sử dụng cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên như bị nôn, bất tỉnh, những người bị bệnh đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng. Tuy nhiên, dạng dùng này cũng có nhược điểm: các loại thuốc bị hạn chế, không phong phú như đường uống, nồng độ thuốc thường đậm đặc nên có thể gây kích ứng cho cơ thể.

Thành phần của thuốc nhét hậu môn

Một viên thuốc nhét hậu môn thường bao gồm 2 thành phần chính là dược chất và tá dược:

  • Dược chất: tùy theo tác dụng của thuốc mà dược chất có trong mỗi loại là khác nhau. Ví dụ thuốc dùng để hạ sốt thường chứa paracetamol, còn thuốc trị táo bón trong thành phần dược chất thường có glycerin (tác dụng làm mềm phân) hoặc bisacodyl (có tác dụng trong việc kích thích nhu động ruột hoạt động).
  • Tá dược: tá dược được sử dụng trong thuốc đặt hậu môn thường là các chất dễ tan chảy khi gặp nhiệt độ cơ thể như: bơ, ca cao, gelatin, polyethylen glycol… Do vậy, các thuốc đặt trực tràng thường bảo quản ở nhiệt độ thấp (ví dụ trong ngăn mát tủ lạnh). Khi đặt vào hậu môn người bệnh, tá dược bao ngoài sẽ tan chảy giải phóng dược chất bên trong.

Phân loại của thuốc nhét hậu môn

Thuốc đặt hậu môn
Hình ảnh: Thuốc đặt hậu môn

Có 2 cách dùng để phân loại các thuốc nhét hậu môn, đó là phân loại theo sự phân tán của hoạt chất và phân loại theo nguồn gốc của các thành phần có trong thuốc.

Tùy theo sự phân tán của hoạt chất

Theo sự phân tán của hoạt chất, thuốc đặt hậu môn được chia thành 2 loại khác nhau:

  • Hoạt chất của thuốc phân tán tại chỗ: các loại thuốc có cơ chế này thường có tác dụng tại chỗ, điển hình là các loại thuốc trị táo bón, thuốc trị bệnh trĩ.
  • Hoạt chất của thuốc phân tán ra toàn cơ thể: các dược chất khi được giải phóng sẽ ngấm vào các mạch máu ở vùng trực tràng, sau đó sẽ theo mạch máu đi khắp cơ thể. Các thuốc có cơ chế này có tác dụng toàn thân, thường dùng để hạ sốt, giảm đau, điều trị viêm khớp…

Tùy theo nguồn gốc của các thành phần

Theo nguồn gốc của các thành phần trong hoạt chất thì thuốc đặt hậu môn được chia thành 2 loại:

  • Thuốc đặt thảo dược: các thành phần dược chất có trong thuốc được chiết xuất từ các dược liệu thiên nhiên.
  • Thuốc đặt thông thường: bao gồm các loại thuốc còn lại và thường chiếm đa số.

Thuốc có tác dụng gì?

Hiện nay, các thuốc dùng bằng đường đặt trực tràng đang ngày càng phổ biến hơn với các tác dụng đa dạng. Các tác dụng chính có thể kể đến của thuốc đặt hậu môn bao gồm:

  • Hạ sốt: với thành phần dược chất chính là Paracetamol. Các thuốc đặt có tác dụng hạ sốt thường được chỉ định cho trẻ em do tác dụng nhanh, lại dễ sử dụng.
  • Tác dụng tới các khớp viêm trong điều trị viêm khớp: các thuốc đặt có tác dụng này thường có hoạt chất chính là các NSAIDS (thuốc chống viêm phi steroid) như: diclofenac, ibuprofen…, được sử dụng cho những bệnh nhân không được dùng NSAIDS theo đường uống (ví dụ bệnh nhân loét dạ dày tá tràng).
  • Tác dụng trị táo bón: sử dụng thuốc đặt hậu môn để làm mềm phân (tác dụng của glycerin) hoặc kích thích nhu động ruột tăng hoạt động (với thuốc chứa hoạt chất bisacodyl).
  • Tác dụng điều trị bệnh trĩ: làm giảm triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) nhờ các hoạt chất kháng viêm corticosteroid và các chất gây co mạch.

Ngoài các tác dụng thường gặp trên, còn có một số loại thuốc đặt hậu môn có tác dụng khác như trị ho, bổ sung nội tiết tố… tuy nhiên không quá phổ biến trên thị trường.

Cách đặt thuốc nhét hậu môn đúng cách

Cách đặt thuốc nhét hậu môn đúng cách
Cách đặt thuốc nhét hậu môn đúng cách

Với thuốc nhét hậu môn, việc sử dụng thuốc sao cho đúng cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Các bước sử dụng thuốc đúng cách như sau:

  • Thuốc được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, chỉ lấy ra ngoài khi sử dụng.
  • Trước khi đưa thuốc vào cơ thể, phải đảm bảo tay của bạn đã sạch sẽ, vô khuẩn (bằng cách rửa tay thật sạch nhiều lần với nước).
  • Để người bệnh nằm nghiêng, một chân co lên trước khi đưa thuốc vào cơ thể.
  • Sử dụng ngón cái và ngón trỏ để cầm thuốc, sau đó đưa phần nhọn đặt nhẹ nhàng vào phần trực tràng của bệnh nhân. Vị trí đặt sao cho vừa đủ chiều dài của viên thuốc, không nên đặt quá sâu sẽ gây đau và có thể gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
  • Sau khi đã đặt thuốc vào hậu môn, người bệnh giữ nguyên tư thế trong khoảng 15 phút để thuốc giải phóng dược chất phát huy tác dụng.

Khi sử dụng thuốc, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng vì nồng độ thuốc đặt hậu môn thường đậm đặc, dễ gây kích ứng cho bệnh nhân nếu quá liều.

Tác dụng phụ của thuốc nhét hậu môn

Tùy vào từng loại thuốc nhét hậu môn mà có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác nhau, tuy nhiên một số tác dụng phụ phổ biến của dạng thuốc này có thể kể đến như:

  • Gây viêm trực tràng khi dùng lâu ngày.
  • Đối với thuốc trị táo bón có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhu động ruột, khiến nhu động ruột bị kích thích quá mức khi dùng kéo dài.
  • Có thể gây ngứa vùng hậu môn, gây tiêu chảy khi sử dụng với tần suất lớn, khoảng cách gần.
  • Gây ngộ độc hoặc kích thích tại chỗ.

Trẻ bị táo bón có nên sử dụng thuốc nhét hậu môn không?

Đối với trẻ em, khi bị táo bón, cha mẹ nên ưu tiên các phương pháp chữa táo bón tự nhiên như thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, cho trẻ ăn nhiều chất xơ và hoa quả tươi, cho trẻ uống nhiều nước và tích cực vận động. Việc sử dụng các loại thuốc nhuận tràng đặc biệt là thuốc nhét hậu môn thường không được khuyến khích. Nếu bắt buộc phải sử dụng, các mẹ không nên cho trẻ sử dụng thuốc nhét hậu môn trong thời gian dài (trên 8 ngày) do có thể khiến trẻ bị lệ thuốc vào thuốc, mất đi phản xạ co bóp đào thải tự nhiên của cơ thể.

Thuốc nhét hậu môn có sử dụng cho bà bầu được không?

Đối với các mẹ bầu, việc sử dụng bất kì loại thuốc gì đều cần cân nhắc kĩ lưỡng do có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, trong trường hợp các mẹ bầu muốn sử dụng các loại thuốc đặt hậu môn, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ một cách kĩ lưỡng và chỉ sử dụng khi được chỉ định, tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc này.

Xem thêm:

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa