[Chia sẻ] Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, Dấu hiệu nào là nguy hiểm?

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến và được nhiều phụ huynh quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cũng như nguyên nhân, cách điều trị tình trạng này thông qua bài viết dưới đây.

Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
Dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là tình trạng dịch vị dạ dày bị trào ngược lên mô thực quản khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này thường kèm theo các triệu chứng như ợ hơi, ợ cay, buồn nôn và nôn.

Ở trẻ em, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến. Trào ngược dạ dày ở trẻ em được chia thành 2 loại chính là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý:

  • Trào ngược sinh lý: đây là hiện tượng thường xuất hiện ở trẻ em dưới 3 tháng tuổi. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, do đó sẽ hết theo thời gian và không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển bình thường của trẻ.
  • Trào ngược bệnh lý: xảy ra khi trẻ bị trào ngược dạ dày một cách thường xuyên kèm theo các rối loạn tiêu hóa, khiến bé trở nên kém ăn, sụt cân và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ có thể kể đến như:

  • Do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, chưa phát triển hoàn toàn: ở trẻ em, hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện ở nhiều cơ quan. Đặc biệt ở thực quản, hệ cơ vòng có sự đóng mở chưa ổn định, dẫn đến tình trạng thức ăn và dịch vị ở dạ dày có thể bị trào ngược lên bên trên. Ngoài ra, dạ dày của trẻ khi 1 – 2 tháng tuổi thường nằm ngang so với người lớn nên cũng dễ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản hơn.
  • Do chế độ ăn uống ở trẻ là chưa hợp lý: Trẻ em thường rất thích ăn những đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ và rất ghét ăn rau và ăn hoa quả. Trong khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ thì còn yếu, rất nhạy cảm, vì vậy các loại thức ăn nhiều chất béo này có thể gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tổn thương ở dạ dày và cả hệ tiêu hóa. Ngoài ra, trẻ còn thích uống các loại nước ngọt, nước có gas mà lười uống nước lọc hàng ngày, điều này có thể kích thích niêm mạc dạ dày tăng sản xuất acid, khiến dịch vị trong dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản hơn.
Chế độ ăn uống chưa hợp lý là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
Chế độ ăn uống chưa hợp lý là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
  • Do thói quen sinh hoạt không khoa học: Nhiều trẻ rất biếng ăn, lười ăn hoặc do bố mẹ nuông chiều nên có thể dẫn đến tình trạng ăn không đúng bữa, vừa ăn vừa vận động, lúc ăn quá no lúc lại để bụng đói. Chính những thói quen này có thể khiến dạ dày phải hoạt động vất vả hơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiêu hóa và hấp thu thức ăn của trẻ, đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản.
  • Do trẻ bị thừa cân béo phì: ở trẻ em, tình trạng thừa cân béo phì là thường hay gặp phải do cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi sở thích ăn uống của con. Trẻ bị béo phì vừa ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hoạt động, vừa làm tăng áp lực lên dạ dày và dễ dẫn đến trào ngược.
  • Do các bệnh lý bẩm sinh: một số bệnh bẩm sinh như hội chứng Down, thoát vị cơ hoành cũng là nguyên nhân khiến trẻ mắc trào ngược dạ dày thực quản.
  • Do căng thẳng, áp lực kéo dài: trẻ em, nhất là trẻ đang ở lứa tuổi học hành phải chịu nhiều áp lực về bài tập, điểm số. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng stress kéo dài và đôi khi còn có nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Stress kéo dài khiến cơ thể tăng tiết cortisol – một chất có khả năng kích thích niêm mạc dạ dày tăng tiết acid HCl, pepsin và làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Những dấu hiệu trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Trẻ có thể nghi ngờ bị trào ngược dạ dày thực quản khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Trẻ thường xuyên bị ợ hơi, ợ chua, từ đó dẫn đến chán ăn, cơ thể mệt mỏi khó chịu.
  • Trẻ hay bị nấc cục, nhất là trong bữa ăn. Theo dõi thấy bé hay bị khó thở, thở khò khè nhọc nhằn.
  • Trẻ có triệu chứng đau họng, bị ho như ho khan, ho kèm lẫn với đờm, viêm phế quản.
  • Giấc ngủ của trẻ không sâu, hay bị quấy khóc khi ngủ.
  • Trẻ bị hôi miệng, sâu răng, ngoài ra acid của dạ dày khi trào ngược lên miệng cũng có thể bào mòn răng của trẻ.
  • Trẻ khó nuốt khi ăn, cảm thấy đau khi nuốt: do acid dạ dày khi trào ngược đã làm tổn thương phần niêm mạc thực quản, dẫn đến tình trạng đau khi thức ăn đi qua.
Thường xuyên bị ợ hơi, ợ chua là dấu hiệu nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ
Thường xuyên bị ợ hơi, ợ chua là dấu hiệu nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ

Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, mẹ nên đưa trẻ đi khám để được kiểm tra các dấu hiệu cận lâm sàng thông qua các phương pháp như nội soi, chụp X – quang, đo độ rỗng dạ dày và theo dõi nồng độ pH, từ đó có thể khẳng định trẻ có mắc bệnh lý này hay không.

Những triệu chứng nào là nguy hiểm khi trẻ bị trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến và không quá nghiêm trọng, tuy nhiên nếu mẹ không phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời, trẻ có thể đối mặt với những triệu chứng hết sức nguy hiểm cho sức khỏe như:

  • Xuất huyết thực quản: acid dịch vị trong dạ dày khi trào ngược lên thực quản một cách thường xuyên và lặp lại không chỉ khiến thực quản bị viêm, loét mà lâu ngày có thể gây ra xuất huyết thực quản. Triệu chứng này có thể là âm thầm (xuất huyết mãn tính) khiến trẻ bị thiếu máu, ngày càng mệt mỏi, tuy nhiên cũng có thể gây ra xuất huyết cấp tính, cần phải cấp cứu kịp thời.
  • Viêm loét, chảy máu dạ dày: đây cũng là những triệu chứng có thể xuất hiện khi dạ dày tăng tiết quá nhiều acid dịch vị. Dạ dày bị viêm loét và chảy máu khiến trẻ bị đau, chán ăn, kém ăn, thiếu máu, mệt mỏi và dẫn đến suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình phát triển.
  • Xuất hiện mô sẹo trong thực quản và có thể dẫn đến hẹp thực quản. Điều này khiến trẻ khó nuốt khi ăn và có thể để lại di chứng ngay cả khi đã trưởng thành.

Ngoài ra, trẻ còn có thể bị hen suyễn, viêm tai giữa, suy dinh dưỡng kéo dài khi mắc trào ngược dạ dày thực quản.

Tham khảo thêm: [Bật mí] Cách chữa trào ngược dạ dày bằng lá trầu không ít người biết

Cách điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ có thể điều trị bằng 2 phương pháp, đó là thay đổi chế độ sinh hoạt ăn uống và sử dụng các loại thuốc để điều trị.

Trong đa phần các trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản, bố mẹ nên điều trị cho trẻ bằng cách thay đổi lối sống hàng ngày, vừa đạt được hiệu quả vừa an toàn cho sức khỏe của bé. Các biện pháp có thể áp dụng như sau:

  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ đang bú sữa mẹ: mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú cách nhau 1 – 1,5 giờ. Cho trẻ bú đúng tư thế để tránh hơi vào trong dạ dày.
  • Đối với trẻ lớn hơn, cần hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có chứa nhiều chất béo và dầu mỡ như đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, các loại đồ uống có gas. Mẹ nên chú ý cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ, cho trẻ ăn rau xanh và các loại hoa quả, đặc biệt nhắc trẻ uống đủ nước mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, hạn chế các cơn trào ngược dạ dày.
Cho trẻ bú sữa đúng tư thế để tránh trào ngược dạ dày thực quản
Cho trẻ bú sữa đúng tư thế để tránh trào ngược dạ dày thực quản
  • Ngoài việc thay đổi chế độ ăn, mẹ cũng nên chú ý đến các thói quen sinh hoạt không tốt của trẻ. Khi ăn, cần cho trẻ ngồi im và ăn một cách chú tâm, tránh để trẻ vận động chạy nhảy trong bữa ăn. Không nên cho trẻ ăn quá no và ăn ngay gần sát giờ đi ngủ. Tập cho trẻ thói quen ăn đúng bữa và kê cao gối khi ngủ để giảm trào ngược dạ dày.

Nếu các biện pháp điều trị trên không đem lại hiệu quả tốt và tình trạng trào ngược dạ dày thực quản của bé ngày càng tiến triển nặng hơn, mẹ có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc để điều trị cho bé. Tuy nhiên cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ và mẹ chỉ nên cho bé sử dụng thuốc khi có chỉ định của các bác sĩ. Một số loại thuốc chữa trào ngược dạ dày có thể được chỉ định bao gồm:

  • Thuốc kháng acid: với cơ chế làm giảm hoạt động tiết acid của dạ dày. Một số loại thuốc thường được dùng cho trẻ em như: Mylanta, Maalox…
  • Thuốc kháng thụ thể H2: các loại biệt dược thường được sử dụng như Cimetidin, Famotidin, Ranitidin…
  • Thuốc ức chế bơm Proton (PPIs): điển hình là Omeprazole, Pantoprazole…

Chăm sóc cho bé bị trào ngược dạ dày cần lưu ý gì?

Đối với trẻ bị trào ngược dạ dày, các mẹ khi chăm sóc cần lưu ý một số điểm sau:

  • Sau khi trẻ xuất hiện cơn trào ngược dạ dày, mẹ cần rửa mũi và làm sạch khoang miệng của trẻ, không cho trẻ ăn ngay sau đó mà nên ăn sau 30 phút hoặc 1 tiếng.
  • Sau khi trẻ ăn xong, không nên cho trẻ nằm ngay mà cần bế đứng và xoa lưng cho trẻ. Tuy nhiên không bế sốc trẻ lên một cách đột ngột vì dễ dẫn đến các cơn trào ngược dạ dày.
  • Khi cho trẻ ăn, cần để trẻ ngồi im một chỗ từ đầu đến cuối bữa. Cho trẻ ăn đúng bữa và tạo cho trẻ cảm giác biết đói, đồng thời chỉ nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, không nên quá ép trẻ để bé ăn được ngon miệng nhất, tránh các cơn trào ngược xảy ra.
  • Nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn mềm, dễ tiêu. Không nấu quá kĩ hoặc cho trẻ ăn lại đồ ăn của bữa trước. Ngoài ra cũng cần đổi món hàng ngày cho trẻ để trẻ dễ ăn hơn, từ đó mà giảm thiểu các triệu chứng trào ngược.

Tham khảo thêm: Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản Gaviscon có tốt không? Giá bao nhiêu?

Làm sao để tránh trào ngược dạ dày cho trẻ

Để ngăn ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng tránh sau đây:

  • Duy trì tư thế cho bé bú sữa đúng cách: khi cho trẻ bú sữa mẹ hoặc bú bình, mẹ cần nâng trẻ nghiêng một góc 30 độ. Tránh để bé nằm ngang vì như thế có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản cho bé.
  • Chú ý khẩu phần ăn uống của trẻ, cần cân bằng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, tránh để trẻ bị thiếu chất hoặc thừa chất không cần thiết. Đây là cách phòng tránh tốt nhất do chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Hơn thế nữa, việc duy trì một khẩu phần ăn hợp lý còn giúp tăng cường sức khỏe, đảm bảo sự phát triển bình thường. Mẹ có thể tìm hiểu và áp dụng công thức của các chuyên gia dinh dưỡng, sau đó chế biến một cách phù hợp với khẩu vị của trẻ để trẻ ăn một cách ngon miệng nhất.
  • Không cho trẻ ăn quá no. Thay vì bắt ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa ăn, mẹ nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn vì hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, chưa thể tiêu hóa quá nhiều một lúc. Chia nhỏ bữa ăn khiến dạ dày hoạt động tốt hơn, từ đó tránh được trào ngược dạ dày thực quản.
  • Không nên đu đưa bé sau khi ăn: việc đung đưa bé quá mạnh có thể khiến thức ăn chưa kịp tiêu hóa trong dạ dày bị trào ngược ra ngoài. Vì vậy, hạn chế đu đưa bé sau ăn là một cách phòng tránh trào ngược dạ dày hiệu quả.
  • Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không mặc đồ quá chặt hoặc đồ bó sát.

Bé bị trào ngược dạ dày có thể uống thuốc Motilium không?

Motilium được sử dụng để trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ khi có chỉ định của bác sĩ
Motilium được sử dụng để trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ khi có chỉ định của bác sĩ

Motilium là loại thuốc thường được sử dụng trong các bệnh lý rối loạn tiêu hóa với tác dụng làm giảm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua ợ cay. Chính vì thế, Motilium có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản và đã được nhiều bác sĩ chỉ định điều trị bệnh lý này.

Motilium được sử dụng trên cả đối tượng là người lớn và trẻ nhỏ. Do vậy, bé bị trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể sử dụng Motilium để điều trị, tuy nhiên mẹ chỉ nên sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa