[Mách bạn] Mẹo chữa táo bón bằng nha đam cực đơn giản tại nhà

Táo bón được xem là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi. Ngày nay, có rất nhiều cách có thể sử dụng để chữa trị tình trạng này, trong đó phổ biến phải kể đến: chữa táo bón bằng nha đam.

Nha đam có tác dụng gì trong chữa táo bón?

Để biết được tác dụng của nha đam trong chữa táo bón, trước hết chúng ta phải có những hiểu biết cơ bản về bệnh táo bón. Mặc dù nó hết sức phổ biến nhưng đa số mọi người không thực sự hiểu rõ về căn bệnh này.

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa được biểu hiện bởi tình trạng đi ngoài khó khăn, phải dùng sức để rặn mạnh và phân mất nước nhiều (khô cứng, lổn nhổn), gặp ở mọi lứa tuổi trong đó phổ biến nhất là trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Táo bón khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, đau đớn và mệt mỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón như: ăn quá nhiều protein và thực phẩm nhiều dầu mỡ, ăn ít chất xơ, uống ít nước, lười vận động, hay ngồi yên một chỗ ;do đang sử dụng một số thuốc như: thuốc bổ sung sắt, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau; một số bệnh lý tổn thương đường ruột như: viêm đại tràng, u đại tràng.

Còn về nha đam (hay còn được gọi là lô hội) không còn loại cây xa lạ gì với tất cả chúng ta nữa đặc biệt là các chị em phụ nữ khi nó có công dụng rất tuyệt vời trong việc chăm sóc da như: làm đẹp da, cấp ẩm, se khít lỗ chân lông, giảm mụn trứng cá, kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa. Không chỉ được sử dụng phổ biến trong làm đẹp mà nha đam còn có khả năng chữa bệnh táo bón. Sở dĩ nó có thể chữa táo bón là bởi vì thành phần nha đam chứa nhiều aloe emodin và barbaloin – đây là các chất thuộc nhóm anthraquinon có khả năng nhuận tràng, chống táo bón do các hợp chất này tồn tại chủ yếu ở dạng β-glycosid, rất dễ tan trong nước và không bị hấp thu và thủy phân ở ruột non. Tuy nhiên khi tới ruột già, chúng bị thủy phân nhờ tác động của enzym do hệ vi khuẩn chí ở ruột già tiết ra để tạo thành các anthron và anthranol có tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, tẩy xổ tùy vào nồng độ. Ngoài ra, aloe emodin và barbaloin có có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của các vi sinh vật có hại cho cơ thể.

Một số mẹo sử dụng nha đam chữa táo bón

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cho bạn một số phương pháp có thể sử dụng nha đam trong chữa táo bón:

Sắc nước uống

Sắc nước uống
Sắc nước uống

Nguyên liệu: 1-2 lá nha đam (lớn).

Cách tiến hành:

  • Lá nha đam mang đi rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài lấy ruột bên trong.
  • Cắt ruột thành những miếng nhỏ rồi cho vào nồi cùng với một lượng nước vừa đủ (phải ngập lượng nha đam) rồi tiến hành đun sôi trên ngọn lửa nhỏ trong vòng 20-30 phút thì có thể sử dụng.
  • Chia làm nhiều phần và sử dụng hết trong ngày.
  • Có thể cho thêm một ít đường hoặc mật ong để tăng mùi vị và dễ uống.

Uống nước ép nha đam

Nguyên liệu

  • 1-2 lá nha đam (lớn).
  • Đường.
  • Muối ăn.

Cách tiến hành

  • Lá nha đam mang đi rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài lấy ruột bên trong rồi mang đi ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi rửa lại với nước sạch.
  • Mang phần ruột nha đam đi xay nhuyễn rồi lọc lấy phần dịch, bỏ bã.
  • Cho phần nước ép nha đam vào cốc, thêm đường cho hợp khẩu vị, khuấy đều và sử dụng. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm một ít đá để tăng mùi vị và thưởng thức.
  • Mỗi ngày nên sử dụng 1 cốc nước ép nha đam không những giúp chữa chứng táo bón mà còn có tác dụng phòng ngừa táo bón, kích thích tiêu hóa.

Chữa táo bón bằng gel nha đam

Nguyên liệu

  • Gel nha đam.
  • Nước ép trái cây.
  • Đường

Cách tiến hành

  • Lấy khoảng 2 thìa canh gel nha đam cho vào cốc nước ép trái cây (như nước ép táo) rồi cho đường vào (tùy khẩu vị) rồi khuấy đều. Có thể thêm đá để tăng mùi vị. Mỗi ngày uống một cốc sẽ giúp đẩy lùi chứng táo bón. Nên sử dụng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ giúp kích thích tiêu hóa và thanh lọc cơ thể.

Kết hợp mật ong và nha đam

Kết hợp mật ong và nha đam
Kết hợp mật ong và nha đam

Ngoài nha đam ra thì mật ong cũng được xem như một “thần dược” có khả năng chữa trị táo bón do thành phần mật ong có chứa nhiều các chất xơ và enzym giúp thúc đẩy tiêu hóa. Ngoài ra mật ong còn làm tăng lượng nước trong phân, giúp giảm tình trạng phân khô cứng, lổn nhổn. Do đó, việc kết hợp dùng mật ong và nha đam làm nâng cao hiệu quả trong điều trị chứng táo bón. Cách tiến hành được thực hiện như sau:

Nguyên liệu

  • 1 lá nha đam lớn.
  • 2-3 thìa cà phê mật ong nguyên chất.

Cách tiến hành

  • Lá nha đam mang đi rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài lấy ruột bên trong.
  • Cắt phần ruột nha đam thành những khúc nhỏ rồi mang đi xay nhuyễn.
  • Cho phần nha đam trên vào cốc rồi cho vào khoảng 2-3 thìa cà phê mật ong nguyên chất, trộn đều và sử dụng.
  • Sử dụng mỗi ngày 1 lần để thấy chứng táo bón nhanh chóng biến mất.

Bôi gel nha đam ở hậu môn

Ngoài việc sử dụng bằng đường uống, bạn có thể sử dụng gel lô hội để bôi trực tiếp lên hậu môn.

Cách tiến hành

  • Mỗi khi muốn đi đại tiện nhưng không được, dùng tăm bông sạch lấy một ít gel nha đam bôi quanh hậu môn. Gel nha đam có tác dụng giống như một chất bôi trơn, giúp kích thích nhu động ruột để phân dễ dàng được đẩy ra ngoài.

Làm chè nha đam

Làm chè nha đam
Làm chè nha đam

Nếu đã nhàm chán với các cách sử dụng trên thì bạn có thể nấu món chè nha đam cùng với đậu xanh để chữa táo bón. Đây là một cách sử dụng rất thích hợp cho những ngày hè nắng nóng.

Nguyên liệu

  • Nha đam tươi: 600g.
  • Đậu xanh: 300g.
  • Đường: 400g.

Cách tiến hành

  • Lá nha đam mang đi rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài lấy ruột bên trong rồi tiến hành cắt thành các khúc nhỏ vừa ăn.
  • Ngâm đậu xanh trong nước ấm khoảng 50-60 phút để đậu mềm, lúc nấu sẽ nhanh nhừ.
  • Trước tiên, cho đậu xanh vào hầm cho nhừ rồi mới thêm đường và nha đam vào đun khoảng 10 phút nữa thì tắt bếp. Có thể thêm một ít bột năng để tạo độ sệt cho chè.
  • Sử dụng 3-4 ngày/ lần vừa có tác dụng chữa tác dụng vừa giúp thanh nhiệt, giải độc, phòng ngừa táo bón quay trở lại.

Một số lưu ý khi chữa táo bón bằng nha đam

Mặc dù cách dùng nha đam để chữa táo bón tương đối đơn giản, tuy nhiên trong quá trình sử dụng cần lưu ý:

  • Chỉ sử dụng với liều lượng vừa phải, tuyệt đối không được quá lạm dụng bởi vì các thành phần anthraquinon trong nha đam ở nha đam sẽ giúp kích thích tiêu hóa, ở liều trung bình có tác dụng nhuận tràng và ở liều cao có tác dụng tẩy xổ mạnh. Chính vì vậy sử dụng quá nhiều nha đam, nhất là trong thời gian dài có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra việc dùng quá nhiều nha đam có thể gây ra một số tác dụng phụ khác như: đau bụng, chuột rút, giảm kali máu, sụt cân, nước tiểu có lẫn máu, ảnh hưởng xấu tới hệ tim mạch.
  • Không sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú vì có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ và tăng nguy cơ sảy thai; không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi và những người có đường huyết thấp và bị hạ đường huyết do nha đam làm giảm lượng đường máu.
  • Cần hỏi ý kiến bác sĩ khi đang đồng thời sử dụng một loại thuốc điều trị khác như: thuốc trị tiểu đường, thuốc chống đông máu Warfarin, thuốc lợi tiểu, Digoxin. Tuyệt đối không tự tiện phối hợp vì có thể gây ra tương tác không mong muốn.
  • Kết hợp với chế độ luyện tập và dinh dưỡng hợp lý, khoa học như: ăn nhiều chất xơ, rau củ quả chứa nhiều vitamin, hạn chế ăn quá nhiều protein và lipid trong một bữa, uống nhiều nước, tăng cường tập luyện thể dục thể thao, không ngồi một chỗ quá lâu, chăm vận động thay đổi tư thế thường xuyên.

Trong trường hợp tình trạng táo bón không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã sử dụng nhiều cách chữa trị khác nhau tại nhà, cần gặp ngay các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dược sĩ Lưu Anh

Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo hệ dược sĩ đại học danh giá nhất Việt Nam - Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau một thời gian làm việc tại khoa dược của một bệnh viện lớn trên Hà Nội, Anh được mời làm biên tập viên của Trang thông tin sức khỏe về bệnh đường tiêu hóa