Táo bón là bệnh lý đường tiêu hóa mà ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc phải. Việc điều trị táo bón bằng các kinh nghiệm dân gian để giảm thiểu can thiệp nội khoa đang là xu thế của ngày nay. Một trong số loại thuốc được truyền miệng sử dụng nhiều hiện nay chính là rau mồng tơi. Vậy tại sao rau mồng tơi lại được sử dụng để điều trị táo bón và điều trị táo bón như thế nào? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Mồng tơi có tác dụng gì trong điều trị táo bón?
Mồng tơi ( Basella Alba basellaceae) là một cây dây leo được trồng khá phổ biến ở nước ta. Mọi người thường sử dụng lá và đọt thân của chúng để chế biến trong bữa ăn hàng ngày. Theo các nhà khoa học mồng tơi rất tốt cho sức khỏe, một số tác dụng tiêu biểu mà mồng tơi mang lại như cung cấp vi chất cần thiết cho thai sản; vì mồng tơi sinh ra ít năng lượng và chất béo nên được gợi ý sử dụng cho người đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc người bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Tuy nhiên, tác dụng đặc trưng, được nhiều người biết đến nhất của mồng tơi là góp phần hỗ trợ điều trị táo bón. Theo Đông y, mồng tơi có vị chua hoặc ngọt, tính hàn, quy kinh Tâm, Can, Tỳ, Đại Trạng. Vì vậy, công năng chính của cây mồng tơi chính là Thanh nhiệt giả độc, thanh nhiệt lương huyết, kiện tỳ, bổ tràng.
Đặc biệt, mồng tơi chứa lượng lớn dịch nhầy bao quanh toàn cây, nên thường được sử dụng để kích thích hệ tiêu hóa hoạt động mượt mà, nhuận tràng thông tiện, kích thích các nhu động ruột tăng co bóp nhẹ, đẩy thức ăn được tiêu hóa xuống và thải ra ngoài, nhất là đối với trường hợp tích trữ phân lâu ngày, không đi ngoài được khiến phân mất nước trở nên khô rắn, cảm giác đi đại tiện mỗi lần đều khó khăn, đau quanh vùng rốn. Các tác dụng hỗ trợ điều trị táo bón này không những được y học gian dan áp dụng từ lâu mà đến nay đã được các nhà nghiên cứu khoa học hiện đại nghiên cứu và công bố trên nhiều tạp chí y khoa quốc tế.
Dịch nhầy trong cây mồng tơi còn có vai trò cực kì hiệu quả trong việc ức chế, giảm hấp thu chất béo trong hệ thống đường ruột. Vì vậy, đây thực sự là một giải pháp chữa táo bón cho người đang muốn giảm cân hay có rối loạn mỡ máu.
Tóm lại, với thành phần chứa nhiều vitamin( như vitamin A, C, B), chất xơ, khoáng chất( lượng lớn sắt, calci) cũng như chứa lượng lớn dịch nhầy nhớt, mồng tơi thực sự là một chọn tối ưu cho việc nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, cũng như góp phần hỗ trợ điều trị dứt điểm táo bón.
Một số cách chữa táo bón bằng mồng tơi
Mồng tơi thông thường chỉ được mọi người sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, đối với điều trị táo bón, mồng tơi còn được áp dụng nhiều phương pháp để điều trị. Có thể kể đến những phương pháp sau:
Thụt mồng tơi chữa táo bón
Đây là cách tác động cơ học để làm lỏng các khối phân rắn đồng thời làm giãn nở thành ruột để thụt tháo phân ra khỏi lòng đại tràng và hậu môn. Với thành phần chứa nhiều dịch nhầy nhớt, sử dụng mồng tơi để tháo thụt táo bón quả là một phương pháp hữu hiệu và tiện ích, mang lại hiệu quả điều trị cao.
Quy trình tháo thụt được tiến hành như sau
Chuẩn bị nước thụt:
- Nghiền phần lá và thân mồng tơi. Tiến hành lọc và thu dịch nhớt vào bát hoặc cốc sạch.
- Lượng dịch để tháo thụt sử dụng tùy thuộc vào độ tuổi: Người lớn 500 – 1000 ml; trẻ em 200 -750 ml, tùy theo tuổi.
Tiến hành tháo thụt
- Để bệnh nhân nằm nghiêng, kê gối và lót nilon vào mông.
- Cho dịch nhớt mồng tơi vào thiết bị tháo thụt( có thể là Canyl nối với ống cao su). Kiểm tra tốc độ chảy của dịch, thử vòi thụt.
- Dùng một tay vạch mông bệnh nhân, một tay để sử dụng thiết bị( Canyl) đưa nhẹ nhàng vào hậu môn, sâu chừng 2 – 3 cm, đưa ngược lên trên chếch về phía ổ bụng. Đưa vòi thụt ra phía sau, tránh gây tổn thương niêm mạc đại tràng và hậu môn.
- Cho dịch mồng tơi chảy vào từ từ, giữ chặt tránh vòi thụt bị bật ra ngoài.
- Khi dịch được truyền vào hết, tháo thiết bị nhẹ nhàng ra. Cho bệnh nhân nằm ngửa và nhịn đại tiện trong vòng 15 phút. Sau đó, bệnh nhân cố gắng đi đại tiện và giữ tư thế thoải mái.
Một số lưu ý khi tiến hành tháo thụt bằng mồng tơi
- Do mồng tơi có tính hàn, kích thích nhu động ruột, nên trong quá trình tháo thụt có thể gây cho bệnh nhân cảm giác khó chịu. Khi đó có thể giảm vận tốc truyền dịch để bệnh nhân thích nghi dần.
- Trong quá trình tháo thụt, nên nhắc bệnh nhân há miệng và thở đều.
- Đây là một biện pháp giúp đẩy phân nhanh ra khỏi đại tràng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng bởi có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng như: Tổn thương thành đại tràng, dễ gây chảy máu hậu môn, nguy coư gây ra viêm hậu môn; mất phản xạ tống phân tự nhiên, lâu dần giảm hoạt động của cơ vòng hậu môn, nặng thêm tình trạng táo bón.
Dùng mồng tơi ngoáy kết hậu môn
Một phương pháp tác động cơ học khác để điều trị táo bón được biết đến đó chính là phương pháp ngoáy kết hậu môn. Phương pháp này không cần sử dụng thiết bị chuyên dụng như phương pháp tháo thụt và cũng không gây ảnh hưởng gì đến cấu tạo của thành ruột.
Cách tiến hành như sau
- Lựa chọn cây mồng tơi có ngọn non, chắc. Bóc lớp vỏ bên ngoài, sao cho để lộ lớp dịch nhầy.
- Sử dụng ngọn đã bóc vỏ để ngoáy trực tiếp hậu môn. Đưa ngọn vào sâu tầm 1 cm. Ngoáy đều và liên tục trong vòng 20 – 30 phút.
- Sau mỗi lần ngoáy, nên cố gắng đi đại tiện. Nếu vẫn còn khó khăn có thể tiếp tục ngọn mồng tơi để ngoáy. Kiên trì thực hành trong 1 – 3 ngày sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Với cách làm này, bệnh nhân có thể yên tâm vì ngọn mồng tơi tác động trực tiếp vào thành hậu môn, kích thích tăng nhu động để tống đẩy phân mà không gây tổn thương viêm nhiễm đường ruột.
Sử dụng mồng tơi trong thức ăn
Đây là phương pháp làm phổ biến nhất khi chữa trị táo bón bằng mồng tơi. Một mặt hỗ trợ điều trị táo bón, một mặt cung cấp một lượng lớn vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng cho cơ thể. Từ mồng tơi có thể chế biến nhiều món ăn vừa thanh nhiệt vừa bồi bổ vừa chữa bệnh cho gia đình. Dưới đây là một số món ăn được đông đảo mọi người áp dụng cho bữa ăn hàng ngày:
Canh cua nấu với mồng tơi
Đây là món ăn thanh nhiệt được nhiều bà mẹ nấu thường xuyên mỗi khi thời tiết mùa hè nóng nực. Nguyên liệu đơn giản chỉ gồm thịt cua( hoặc nước xay nhuyễn cua), rau mồng tơi dầu ăn và gia vị nêm nếm. Một lưu ý nhỏ là cả cua và rây mồng tơi đều có tính hàn. Vì vậy, không nên sử dụng cho người đang có dấu hiệu tiêu chảy, cảm hàn.
Cháo ngao mồng tơi
Đây thực sự là món ăn phù hợp cho trẻ còn ăn cháo. Đối với đối tượng trẻ em, có thể áp dụng hai phương pháp cơ học trên để điều trị táo bón là khá khó khăn do bé không hợp tác. Tuy nhiên, việc nấu rau mồng tơi cùng với cháo như thế này có thể kích thích vị giác của trẻ, vừa giúp trẻ ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt, vừa giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn. Nguyên liệu bao gồm: thịt cua hoặc thịt ngao đã hấp chín, rau mồng tơi( xay nhuyễn khi dùng cho trẻ em), gạo lứt nấu cháo. Khi dùng nên chú ý với người có dấu hiệu tiêu chảy, cảm hàn.
Một số lưu ý khi chữa táo bón bằng mồng tơi
Mỗi bệnh nhân sẽ có tính chất, đặc điểm của bệnh khác nhau, mỗi cây thuốc cũng được chỉ định cho nhóm đối tượng khác nhau. Vì vậy không phải trường hợp táo bón nào cũng có thể sử dụng rau mồng tơi để điều trị. Dưới đây là một số lưu ý nhỏ, bệnh cần cần lưu tâm để có hiệu quả điều trị tốt nhất:
- Rau mồng tơi chỉ có hiệu quả khi tình trạng táo bón còn ở mức độ nhẹ, mới khởi phát. Sử dụng rau mồng tơi không thể điều trị tận gốc chứng táo bón mà chỉ hỗ trợ điều trị triệu chứng của bệnh. Vì vậy, để điều trị tận gốc nên kết hợp với các thuốc nội khoa hoặc có can thiệp chuyên khoa khi có chỉ định của bác sỹ.
- Khi bệnh nhân đã bị táo bón lâu ngày, hoặc tình trạng có chuyển biến nặng thì nên thăm khám tại các phòng khám chuyên khoa sớm nhất, đề phòng bệnh tiến triển.
- Vì mồng tơi có tính hàn, nên bệnh nhân lưu ý sử dụng nếu đang có dấu hiệu của cảm hàn, mệt mỏi, sợ lạnh.
- Không nên lạm dụng mồng tơi trong điều trị táo bón, vì có thể ảnh hưởng chu kỳ sinh lý và độ co giãn cơ vòng hậu môn. Đặc biệt, nếu dùng thường xuyên với số lượng lớn có thể có các biến chứng như kém hấp thu ở trẻ, sỏi thận nhân purin ở người lớn.
- Rau mồng tơi thực sự là một giải pháp tối ưu để điều trị táo bón nếu được sử dụng đúng cách. Vì vậy, hãy cân nhắc tình trạng táo bón và sức khỏe của cơ thể để áp dụng một cách có hiệu quả nhé.